Nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1.12:
Khó khăn trong phòng, chống HIV/AIDS

02:12, 01/12/2017
.

(Baoquangnngai.vn)- Với tác động tích cực của truyền thông đại chúng, ngày nay, cộng đồng đã dần xóa bỏ sự kì thị đối với những người mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nhưng công tác điều trị bệnh vẫn gặp trở ngại lớn từ sự tự kì thị bản thân của chính những người trong cuộc.
 
 
Dũng cảm bước ra “ánh sáng”
 
Năm 2008, gia đình anh H.L ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) hứng chịu một cú sốc lớn từ sự cố tai nạn giao thông xảy đến với anh. Không biết mầm mống HIV đã ở trong người anh bao lâu, nhưng khi đến bệnh viện để khâu vết thương và làm các xét nghiệm, anh L nhận được kết luận mình đã nhiễm H.
 
Bóng tối ập tới với gia đình anh khi người vợ và đứa con trai út của anh cũng đã bị lây nhiễm. Thời gian ấy, kinh tế gia đình đang khá ổn định thì tuột dốc không phanh. Không ít lần anh L. nghĩ quẫn tìm đến cái chết.
 
“Mình suy sụp, rồi cả vợ và đứa con còn quá nhỏ cũng chịu chung cảnh. Lúc đó chỉ nghĩ chết là hết. Nhưng giờ mình chết thì vợ con để ai lo, mình phải có trách nhiệm sống và làm việc tiếp”- Chính suy nghĩ với tia hi vọng mong manh ấy đã níu anh đứng dậy. Thoát khỏi sự tự ti, lo sợ của bản thân, anh đấu tranh với chính mình để vượt qua giai đoạn tự kì thị bản thân.

 

Anh H.L thường xuyên khám và tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV để có sức khỏe ổn định
Anh H.L thường xuyên khám và tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV để có sức khỏe ổn định.
 
Anh L. đã dũng cảm bước ra ánh sáng để đối mặt với sự thật mình là người nhiễm H và cần được cộng đồng giúp đỡ. Những tưởng khi bà con, xóm làng biết mình là người nhiễm H thì họ sẽ xa lánh, nhưng anh L. lại nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn từ cộng đồng. Cũng nhờ vậy, dù sức khỏe không tốt, anh vẫn đang kiếm sống bằng nghề sơn nước và là một trong những cộng tác viên tích cực của ngành y để tuyên truyền về tác hại của căn bệnh thế kỷ.
 
Vì sớm vượt qua được sự tự ti, anh L động viên vợ con đến cơ sở y tế để thăm, khám thường xuyên và tiếp nhận điều trị thuốc ARV đều đặn, liên tục. Nhờ vậy, dù đã qua gần 10 năm sống chung với bệnh, sức khỏe của cả 3 người trong gia đình đều khá ổn định và sinh hoạt bình thường. Hiện gia đình anh đang được hưởng đầy đủ các chế độ BHYT và chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí để giúp anh xây một ngôi nhà kiến cố để an cư.
 
Nhiều người nhiễm H vẫn sống trong “bóng tối”
 
Suy nghĩ và hành động tích cực của anh L, đến thời điểm hiện tại, vẫn là trường hợp hiếm có trong cộng đồng người nhiễm H ở Quảng Ngãi. Hiện toàn tỉnh có 509 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống. Trong đó, có 255 bệnh nhân đăng ký khám, tiếp nhận điều trị ARV tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
 
Điều đáng nói, trong số các bệnh nhân này, có rất ít người chịu đến khám và điều trị thường xuyên vì có suy nghĩ tiêu cực. Với họ, nỗi ám ảnh về bệnh quá lớn khiến cho tư tưởng chán chường, bất cần hiện hữu. Chính điều này đã khiến họ không dám đến xét nghiệm và điều trị tại các cơ sở y tế. Từ đó, bệnh nặng thêm và thời gian sống không kéo dài.

 

Chính sự tự kì thị bản thân đã khiến nhiều bệnh nhân HIV có suy nghĩ tiêu cực và không tuân thủ điều trị
Chính sự tự kì thị bản thân đã khiến nhiều bệnh nhân HIV có suy nghĩ tiêu cực và không tuân thủ điều trị
 
Bác sĩ Hồ Viết Duẩn- Trung tâm phòng chống HIV/AIDS chia sẻ: Việc phát hiện và điều trị sớm với bệnh nhân HIV có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi đó là chìa khóa giúp quá trình điều trị ARV mang hiệu quả cao. Nếu điều trị muộn và không liên tục thì bệnh nhân sẽ gặp tình trạng kháng thuốc, với thời gian sống chỉ kéo dài từ 2-8 năm.
 
Khi công tác tuyên truyền đến cộng đồng về căn bệnh thế kỷ mang lại hiệu quả, thì công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm H vẫn gặp phải trở ngại từ chính người bệnh. Theo ông Võ Mẫn- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, xóa bỏ phân biệt kỳ thị là việc rất quan trọng, góp phần tích cực giúp người nhiễm HIV phát hiện bệnh sớm và tuân thủ điều trị.
 
“Nhưng hiện nhiều bệnh nhân vẫn chưa thể thoát khỏi sự tự kì thị bản thân để tiếp nhận điều trị và hòa nhập cộng đồng. Do vậy, chúng tôi phải tích cực hơn nữa trong việc đến tận nhà tiếp xúc và thuyết phục, động viên người bệnh tích cực điều trị để có sức khỏe ổn định hơn và tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”- ông Mẫn cho hay.
 
Không may mang trong người mầm mống HIV, đó là nỗi khiếp sợ lớn nhất trong cuộc đời. Nhưng với y học hiện đại, đó chưa phải là dấu chấm hết. Nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi sự sợ hãi để tuân thủ điều trị và có cuộc sống ổn định. Với họ, vượt qua chính mình đã là một bước ngoặc lớn có ý nghĩa để tiếp tục sống tốt.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.