Đưa bệnh nhân HIV/AIDS về điều trị ở cơ sở: Thuận lợi và thách thức

02:12, 26/12/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Từ quý I/2018, công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc kháng virut (ARV) sẽ được chuyển về nơi khám chữa bệnh ban đầu theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thay vì Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Đây là bước chuyển hoàn toàn mới, đặt ra nhiều thách thức cho ngành Y tế.
 
 
Các địa phương sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS
 
Từ trước đến nay, phần lớn các hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS đều do các dự án quốc tế tài trợ. Các quỹ tài trợ quốc tế này sẽ kết thúc vào đầu năm 2018 nên hoạt động chăm sóc, điều trị sẽ phải chuyển sang hình thức BHYT đồng chi trả. Điều này có nghĩa, việc điều trị và nhận thuốc ARV sẽ chuyển về cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo thẻ BHYT ở các Trung tâm y tế địa phương.
 
Do vậy, ngành Y tế đã thực hiện lộ trình tiếp nhận và chuyển giao các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ các dự án. Trong đó, có các công việc cụ thể: Ngành Y tế phối hợp với BHXH tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS; xây dựng quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS lồng ghép với quy trình khám chữa bệnh của đơn vị; cung cấp dịch vụ và quản lý khám chữa bệnh HIV/AIDS...

 

Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã sẵn sàng cơ sở vật chất và nhân lực để phục vụ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS
Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã sẵn sàng cơ sở vật chất và nhân lực để phục vụ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS
Đặc biệt, các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đều đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất và con người để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tại huyện Ba Tơ, Trung tâm Y tế đã bố trí phòng khám và bác sĩ tư vấn, dược sĩ cũng như điều dưỡng để phục vụ công tác này.
 
Bà Đặng Thị Phượng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ chia sẻ: Trên địa bàn huyện có hơn 30 bệnh nhân HIV/AIDS. Từ trước đến nay, các bệnh nhân này đều tới Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh hoặc địa phương ngoài tỉnh để điều trị. Nhưng thời gian qua, chúng tôi đã cử cán bộ đến nhà các bệnh nhân để tuyên truyền về sự đổi mới trong công tác điều trị bệnh để họ hiểu và an tâm thực hiện theo.
 
Còn tại huyện Nghĩa Hành, để quản lý tốt và điều trị cho hơn 40 bệnh nhân HIV còn sống, huyện đã chọn 4/12 xã điểm với cán bộ chuyên trách thường xuyên đến thăm nom, động viên người bệnh. Ngoài ra, cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực đã sẵn sàng ở Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hành để tiếp đón người bệnh HIV.
 
Theo bác sĩ Võ Mẫn- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm đã tham mưu Sở Y tế yêu cầu mỗi huyện cử 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 dược sĩ đi tập huấn để phục vụ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. “Hiện 14 huyện, thành phố và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều đã sẵn sàng cho bước chuyển bệnh nhân về các cơ sở điều trị”- ông Mẫn khẳng định.
 
Dưới 50% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT
 
Để được khám, điều trị bằng thuốc ARV tại cơ sở, điều kiện tiên quyết là bệnh nhân HIV/AIDS phải có thẻ BHYT. Nhưng trong số 255 người bệnh HIV/AIDS đang điều trị tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, chỉ mới có khoảng 100 người có thẻ BHYT. Hơn 50% còn lại vẫn chưa mua thẻ.

 

Cán bộ y tế chuyên trách HIV đến khám, tư vấn tận nhà cho bệnh nhân
Cán bộ y tế chuyên trách HIV đến khám, tư vấn tận nhà cho bệnh nhân
 
Nguyên nhân là do một số trường hợp có điều kiện kinh tế quá khó khăn chưa thể mua thẻ BHYT, số còn lại chủ quan vì lâu nay việc điều trị đều theo chương trình mục tiêu quốc gia, người bệnh hoàn toàn không tốn kinh phí. Nhưng qua năm 2018, chi phí điều trị thuốc ARV tốn ít nhất 4 triệu đồng/năm nếu không có thẻ BHYT. Với trường hợp kháng thuốc thì chi phí sẽ tăng lên gấp 2-4 lần. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với người bệnh.
 
Về phía bệnh nhân HIV/AIDS, nhiều người lo lắng thông tin cá nhân của mình sẽ bị “lộ” khi chuyển sang điều trị HIV/AIDS sử dụng thẻ BHYT. Cũng chính vì tâm lý e ngại lộ thông tin, nên có tình trạng bệnh nhân ở địa phương này sang địa phương khác điều trị. Thậm chí, có người vì sự thay đổi này mà từ bỏ điều trị thuốc ARV, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
 
Đây là những thách lớn đối với ngành Y tế khi chuyển bệnh nhân HIV/AIDS về cơ sở khám chữa bệnh theo thẻ BHYT. Do vậy, ngày từ khi có kế hoạch, ngành Y tế đã phải tính toán kỹ các phương án để giúp các bệnh nhân HIV/AIDS.
 
Bà Đặng Thị Phương- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho hay: Nếu các bệnh nhân từ chối đến Trung tâm khám và nhận thuốc thì chúng tôi sẽ cử cán bộ chuyên trách đến tận nhà để tư vấn và cấp thuốc ARV theo thẻ BHYT. Đây là cách tạo điều kiện tốt nhất để tránh tình trạng vì tự ti, mặc cảm, sợ lộ danh tính và người bệnh không tuân thủ điều trị.
 
Đây cũng là cách mà các địa phương khác áp dụng để giúp bệnh nhân không vướng phải khó khăn khi chuyển về điều trị ở cơ sở. Theo bác sĩ Võ Mẫn- Phó giám đốc phụ trách Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong thời gian đầu chuyển bệnh nhân về cơ sở, chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Trung tâm sẽ thành lập nhóm hỗ trợ bao gồm các bác sĩ, cán bộ thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân để về cơ sở tư vấn, giúp đỡ về mọi mặt.
 
“Còn vấn đề mua thẻ BHYT của bệnh nhân HIV/AIDS, thời gian qua chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền để người bệnh hiểu về tầm quan trọng của chiếc thẻ BHYT khi các nguồn viện trợ thuốc ARV bị cắt. Đó là quyền lợi của người bệnh mà chúng tôi luôn khuyến khích để chi phí điều trị không là gánh nặng của các gia đình”- ông Mẫn chia sẻ.
 
Bài, ảnh: An Điền
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.