Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết về công tác dân số

02:11, 23/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số phát triển. Do đó, nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số đã và đang đặt ra không chỉ riêng ngành y tế, mà là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị đối với công tác này.

Chất lượng dân số, là một trong những yếu tố góp phần rất lớn trong việc quyết định đến hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển của đất nước. Với ý nghĩa đó, Tỉnh Quảng Ngãi đã đặc biệt quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ. Nhờ đó, các chỉ tiêu về dân số tại Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức cho xã hội, trong đó có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức cho xã hội, trong đó có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Sự nỗ lực của các địa phương, nhất là các vùng miền núi, ven biển đã góp phần ổn định quy mô dân số trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ mức giảm sinh của Quảng Ngãi duy trì ở mức ổn định 0,2‰.  Đa số người dân đã chấp nhận thực hiện quy mô gia đình nhỏ ít con (2 con) để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; khắc phục được sự gia tăng nhanh về dân số; đạt mức sinh thay thế; chất lượng dân số từng bước được cải thiện...

Tuy nhiên, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mức giảm sinh tuy có giảm, nhưng chưa bền vững, có sự khác biệt giữa các địa phương và có nguy cơ tăng sinh trở lại. Mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý, đồng nghĩa với tiếp tục thực hiện các biện pháp KHHGĐ trong bối cảnh không còn Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số cắt giảm, thiếu kinh phí, thiếu phương tiện tránh thai, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ chưa kịp thời, nhất là cho nhóm đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên. Chất lượng dân số đang dần được cải thiện, nhưng vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai...

Đội ngũ cán bộ dân số xã, phường, thị trấn chưa là viên chức. Quảng Ngãi là một trong những tỉnh trong cả nước chưa thực hiện Thông tư 05/2008/TT-BYT ngày 14.5.2008 của Bộ Y tế. Đây là một trong những bất cập về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, làm hạn chế tính tích cực trong công tác, khó khăn trong nâng cao năng lực để tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thực hiện các chương trình, mục tiêu về DS - KHHGĐ tại các địa phương.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, Quảng Ngãi đang tập trung triển khai Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh. Quyết tâm của tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tình hình mới.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Đặng Chính, nhận định: Sự chuyển đổi trọng tâm sang dân số và phát triển theo Nghị quyết lần này hết sức cần thiết. Bởi khi chất lượng dân số được quan tâm, cũng có nghĩa là nâng cao thể chất, tinh thần và trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển. Trước đây, truyền thông dân số chủ yếu tập trung vào KHHGĐ nhằm giảm mức sinh, hạ thấp tỷ lệ phát triển dân số, thực hiện quy mô gia đình nhỏ có từ 1-2 con. Hiện nay, công tác truyền thông về dân số có thêm nhiệm vụ mới và quan trọng là nâng cao chất lượng dân số, bởi chất lượng dân số là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia. Bởi vậy, việc xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới là một vấn đề cấp bách không chỉ riêng ở tỉnh ta mà mang tầm quốc gia.


 Bài, ảnh: KN   



 


.