Quan tâm đến sức khỏe tâm thần công nhân, viên chức

02:10, 15/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề của Ngày Sức khỏe Tâm thần năm nay, nhằm kêu gọi cộng đồng, các cơ quan, xí nghiệp cần tăng cường các hoạt động chăm sóc, quan tâm giữ gìn sức khỏe tâm thần cho người lao động.

Thực tế hiện nay, do áp lực công việc và cường độ lao động cao, nên ngày càng có nhiều những người làm việc tại các cơ quan, công sở mắc bệnh tâm thần, bị stress, trầm cảm và cao hơn nữa là rối loạn tâm thần phân liệt...

Mắc bệnh vì không chịu nổi áp lực

Tại Khoa Tâm Căn, Bệnh viện Tâm thần tỉnh có hàng chục bệnh nhân đang điều trị các bệnh rối loạn tâm thần. Đa số là những người lao động làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau. Ngyên nhân bị bệnh có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do áp lực cuộc sống, công việc... dẫn đến bệnh lí về sức khỏe tâm thần. Như bệnh nhân H, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), dù mới 40 tuổi, nhưng trông anh già đi rất nhiều so với tuổi, người ốm yếu. Anh H, cho biết,  anh hành nghề lái xe taxi đã gần 5 năm.

Do tính chất công việc phải đi lại nhiều, thức khuya, dậy sớm, ăn ngủ không điều độ. Cộng với chế độ do công ty khoán chạy theo ngày, nên áp lực đối với tài xế mới vào nghề là rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến anh H gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

 Vì không chịu nỗi áp lực công việc, cuộc sống khiến anh H bị trầm cảm.
Vì không chịu nỗi áp lực công việc, cuộc sống khiến anh H bị trầm cảm.


Còn đối với anh V, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) đang điều trị bệnh suy nhược thần kinh khá nặng tại đây cho biết: Anh bị bệnh gần 3 tháng nay. Lúc đầu, do chủ quan với sức khỏe, mặc dù thấy lo âu, mất ngủ nhiều ngày, nhưng anh vẫn cố gắng đi làm, khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện điều trị. Sau 10 ngày điều trị ở đây thì, sức khỏe anh đã ổn định hơn.
 

 “Xã hội ngày càng hiện đại, áp lực công việc gia tăng, cuộc sống bất ổn định và mất cân bằng, khiến nhiều người gặp rắc rối về sức khỏe tâm thần. Chính vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị cần quan tâm tạo môi trường làm việc cân bằng, giảm bớt áp lực cho người lao động. Kịp thời có các hoạt động, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên”.
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ ĐẶNG TRONG

Em V, ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), là một trong những bệnh nhân trẻ nhất đang điều trị tại đây. Mới 20 tuổi, nhưng V phải vào TP. Hồ Chí Minh để mưu sinh. Em xin làm công nhân may, áp lực công việc quá sức, thường xuyên tăng ca, làm ca đêm, khiến V suy nhược sức khỏe. Nhiều ngày như vậy, khiến em mắc phải bệnh lí trầm cảm, rối loạn giấc ngủ... “Với những trường hợp như trên, trong xã hội hiện nay không ít. Đa số người bệnh đến bệnh viện điều trị muộn, nên cần điều trị dài ngày mới khỏi hẳn. Rất nhiều người bệnh là cán bộ, viên chức, người lao động tại các KCN, các công ty, xí nghiệp, đa số bị rối loạn trầm cảm, mất ngủ, lo lắng, suy nhược thần kinh, đau đầu... Những trường hợp điều trị nội trú là bệnh nặng, còn lại điều trị ngoại trú khá nhiều”, Trưởng Khoa Tâm căn, Tâm thần trẻ em-Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ Phạm Thị Thu Trà, cho hay.

Cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ Đặng Trong, mỗi ngày bệnh viện khám trên 200 lượt bệnh nhân gặp sức khỏe về tâm thần, trong đó CB,CCVC và người lao động chiếm 50%. Đa số đều không chịu được áp lực công việc, không cân bằng được cuộc sống hiện tại, dẫn đến gặp một số bệnh lý về sức khỏe tâm thần.

Theo bác sĩ Đặng Trong, biểu hiện của chứng rối loạn tâm thần rất đa dạng, rất thất thường, bản thân bệnh nhân vẫn làm việc, sinh hoạt gần như bình thường, chỉ gây khó chịu cho người thân, đồng nghiệp. Nếu mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần, người lao động sẽ khó tập trung trong công việc, hiệu suất công việc giảm sút trầm trọng, ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội và đồng nghiệp...
 

Bài, ảnh: KN

 


.