Bệnh võng mạc do đái tháo đường

04:09, 26/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh rối loạn chuyển hóa phổ biến, đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm.
 
Trong số những biến chứng thì biến chứng mạch máu thường xảy ra sớm, xuất hiện từ từ và có tính chất lan tỏa. Trong các biến chứng mạch máu nhỏ thì bệnh lý võng mạc do ĐTĐ thường bị bỏ qua trong quá trình thăm khám, bệnh thường được phát hiện khi đã muộn, nên để lại di chứng nặng nề. Đa số bệnh nhân ĐTĐ không được khám mắt cho đến khi mắt đột nhiên bị giảm thị lực mới được thăm khám, nên việc điều trị tốn kém và hiệu quả thấp.

Bà Lại Thị Tuyết Côi ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Tôi bị bệnh ĐTĐ hơn 20 năm nay, nhưng chưa khám mắt, vì nghĩ bệnh chỉ biến chứng qua tim, thận. Cách đây khoảng 6 tháng, tôi đến khám tại Trung tâm Nội tiết Quảng Ngãi, được bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh lý võng mạc do biến chứng bệnh ĐTĐ gây ra”.

  Giai đoạn tăng sinh, xơ hóa, co kéo bong võng mạc.           Ảnh: Internet
Giai đoạn tăng sinh, xơ hóa, co kéo bong võng mạc. Ảnh: Internet


Biến chứng ở mắt do bệnh ĐTĐ gây ra là đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc do ĐTĐ. Trong đó, bệnh võng mạc do ĐTĐ là thường gặp nhất. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa và làm giảm chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân ĐTĐ.  

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết Quảng Ngãi, bác sĩ Đặng Văn Điểm, bệnh lý võng mạc do ĐTĐ là tình trạng tăng đường máu mạn tính gây tổn thương, phá hủy thành các mao mạch ở đáy mắt, ảnh hưởng đến tính thấm các mao mạch này, hậu quả là dịch từ trong lòng mạch thoát ra ngoài gây xuất huyết và phù nề. Nếu gây phù ở hoàng điểm thì có thể làm giảm thị lực rất nhiều.

Bản thân các mao mạch bị phá hủy và bị tắc gây thiếu máu ở võng mạc, khi đó cơ thể sẽ có phản ứng kích thích sự hình thành các mao mạch mới phát triển mạnh cả vào hậu phòng (khoang chứa dịch kính). Các mạch máu mới này rất dễ vỡ và thường gây xuất huyết nặng từ giai đoạn sớm làm đục dịch kính. Các mạch máu mới cũng gây ra các vết sẹo, xơ ở võng mạc và trong quá trình liền sẹo nó có thể co rút gây ra bong võng mạc làm mất thị lực vĩnh viễn.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương các mạch máu ở võng mạc mà người ta chia bệnh võng mạc ở bệnh nhân ĐTĐ làm 2 giai đoạn: Nếu sớm là bệnh võng mạc không tăng sinh (chưa có các mao mạch mới) và muộn là bệnh võng mạc tăng sinh (đã có các mao mạch mới). Thời gian gần đây có nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh võng mạc do ĐTĐ. Tùy theo mức độ tổn thương ở võng mạc, giai đoạn tiến triển của bệnh mà bệnh nhân được điều trị bằng những biện pháp khác nhau.

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị, gồm: Điều trị bằng tia laser (tiêu cự hay tán xạ); điều trị bằng thuốc chích vào mắt và điều trị bằng phẫu thuật. Việc điều trị bệnh lý võng mạc do ĐTĐ cần thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa sâu về mắt và có sự phối hợp với bác sĩ chuyên khoa nội tiết.

Để hạn chế các biến chứng do ĐTĐ nói chung, bệnh lý võng mạc do ĐTĐ nói riêng, bệnh nhân cần phải điều trị để kiểm soát tốt đường huyết; ổn định huyết áp; kiểm soát mỡ máu; hạn chế bia, rượu, thuốc lá; tập thể dục thường xuyên 30- 45 phút mỗi ngày; điều chỉnh chế độ ăn, uống hợp lý với người ĐTĐ và khám mắt ít nhất 1lần/năm.
             

MINH HIỀN

    
 


.