Cảnh giác với đỉa khi tắm suối

05:06, 07/06/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Mỗi năm cứ đến mùa nắng nóng, người dân miền núi thường có thói quen tắm suối để giải nhiệt. Đây cũng là cơ hội để các dị vật sống như đỉa chui vào đường hô hấp ký sinh, gây hại đến sức khỏe của nhiều người.
Khoa Tai Mũi Họng- Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi vừa tiếp nhận bệnh nhân Đinh Văn N. trú ở huyện Ba Tơ bị đỉa chui vào sống trong khoang mũi. Theo anh N., trước đó khoảng 2 tuần, sau khi tắm suối ở gần nhà thì có cảm giác hơi nhột ở mũi và thỉnh thoảng bị chảy máu mũi.
 
“Triệu chứng không giảm mà ngày càng nặng hơn, nhiều lúc tôi bị ho và khạc ra máu nữa. Sợ quá nên xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi khám, nội soi thì phát hiện có con đỉa trong khoang mũi”- anh N. kể lại. Khi được bác sĩ thông báo có đỉa dài khoảng 1cm thì anh N. khá hoảng hốt. Nhưng anh được trấn an ngay, khi bác sĩ tiến hành nội soi và gắp con đỉa sống ký sinh trong khoang mũi anh N. chỉ trong vài phút.

 

Bác sĩ đang tiến hành nội soi, gắp đỉa ra khỏi khoang mũi
Bác sĩ đang tiến hành nội soi, gắp đỉa ra khỏi khoang mũi.
 
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp tại Khoa Tai mũi họng- Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Mỗi mùa hè, các bác sĩ phải xử lý gắp đỉa cho từ 7-10 ca, có năm tăng đột biến hơn 20 ca. Tất cả các trường hợp này đều do bệnh nhân có thói quen tắm hoặc sử dụng nước suối để ăn uống.
 
Không chỉ người lớn, trẻ em là đối tượng  thường xuyên bị đỉa bám ký sinh trong đường hô hấp. Riêng từ đầu hè 2017 đến nay, Khoa Tai Mũi Họng đã tiếp nhận, xử lý cho 5 trường hợp có đỉa ký sinh. Trong đó, có 2 ca là bệnh nhi chỉ mới ở độ tuổi lên 2 và lên 5. Nguyên nhân là do các em được bố mẹ dẫn đi tắm suối và không may bị đỉa suối chui vào khoang mũi, miệng.
 
Em Hồ Thị Mai Cam ngụ ở huyện Trà Bồng chia sẻ: Năm nào cũng có người ở trong thôn hoặc các bạn học cùng trường bị đỉa chui vào mũi, miệng sau khi đi tắm suối vào mùa nóng. Ai bị vậy thì phải xuống tận dưới bệnh viện tỉnh mới có thể gắp ra được.
 
Bác sĩ Đinh Tất Thắng- Khoa Tai Mũi Họng cho biết: Các trường hợp có dị vật sống như đỉa ký sinh ở đường hô hấp trên như mũi miệng thường nguyên nhân là do tiếp xúc với nước suối ở miền núi. Khi con người tắm hoặc uống nước suối, đỉa sẽ theo nguồn nước chui vào miệng, mũi và bám vào niêm mạc để lên mũi hoặc xuống thanh quản, khí quản, thậm chí là phế quản và thực quản.

 

Đỉa suối thông thường chỉ bé như sợi tóc, nhưng khi ký sinh trong cơ thể người có thể lớn rất nhanh
Đỉa suối thông thường chỉ bé như sợi tóc, nhưng khi ký sinh trong cơ thể người có thể lớn rất nhanh
 
Đỉa suối chỉ bé bằng sợi tóc nên rất khó bị phát hiện. Khi đỉa bám vào khoang mũi thì người bệnh sẽ bị ho ra máu, có cảm giác nhột ở mũi, chảy máu mũi kéo dài. Nếu bám ở khí quản, thanh quản thì đỉa sẽ khiến người bệnh bị khó thở từng đợt. Nếu không bị phát hiện sớm và gắp kịp thời, con đỉa sẽ sinh trưởng và lớn dần trong cơ thể người.
 
“Như ở Quảng Ngãi, tôi đã từng phụ trách nội soi gắp bỏ con đỉa trong khoang mũi dài đến 15cm. Càng sống ký sinh lâu trong cơ thể người thì đỉa có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân”- bác sĩ Đinh Tất Thắng cho biết.
 
Do vậy, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng khuyến cáo người dân cần hạn chế thói quen sử dụng nước suối để tắm giặt hoặc ăn uống. Nếu phát hiện ra đường hô hấp có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với nước suối, thì phải nghĩ ngay đến việc có đỉa bám trong đường hô hấp để kịp thời đến các cơ sở y tế có thiết bị nội soi và gắp bỏ ra khỏi cơ thể.
 
Bài, ảnh: An Điền
 
Video cận cảnh một ca nội soi, gắp đỉa ra khỏi khoang mũi tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi:
 
https://youtu.be/CbXei_XLa_c
 
 
 

.