Cẩn trọng với bệnh nhiễm giun sán

02:06, 22/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giun sán là những sinh vật đa bào sống tự do hay ký sinh trên cơ thể người và động vật. Đây là bệnh lý tương đối phổ biến ở nước ta. Các loại giun sán thường gặp ở người là: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim và sán lá gan. Khoảng 20-50% người Việt có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em. Với tỷ lệ này, Việt Nam hiện là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở Châu Á.

Nguyên nhân mắc bệnh giun sán

Thói quen ăn rau sống, thịt tái, nuôi thú cưng cùng với môi trường ô nhiễm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bị nhiễm ấu trùng giun sán trong máu, đặc biệt là ấu trùng giun đũa chó (sán chó). Các loại giun sán nguy hiểm, dễ gặp tùy thuộc theo vùng miền. Ở miền Bắc, người ta chủ yếu bị sán gạo lợn do thói quen ăn tiết canh.

Có thể bị nhiễm giun do ăn thức ăn không sạch hay nấu chưa chín, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau quả chưa được rửa sạch, nguồn nước không vệ sinh, tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất. Trẻ cũng có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn, không rửa tay sau khi đi vệ sinh.

Biểu hiện của bệnh giun sán

Bác sĩ Lương Văn Tuấn – Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết: “Gần đây, bên cạnh việc xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi có một nhóm bệnh do ký sinh trùng như sán lá gan, giun đũa, giun chó mèo. Những bệnh này trước đây chỉ có ở động vật chính là chó mèo, bây giờ các loại ký sinh trùng này xuất hiện ở người. Triệu chứng chính của bệnh là mệt mỏi, ăn uống kém. Đối với bệnh sán lá gan có thể đau bụng vùng hạ sườn phải và vùng thượng vị, có thể đau bụng dữ dội do vỡ một số tổ chức ở gan. Trường hợp nhiễm trùng qua đường tiêu hóa thì triệu chứng chính là ngứa, ngứa ở một nơi hay nhiều nơi, có thể mẩn đỏ”.

Hậu quả khi nhiễm giun kéo dài

Nếu để bệnh kéo dài, không được can thiệp, bệnh giun sán có thể gây nên các biến chứng nội khoa như đau bụng cấp tính, viêm tá tràng, thiếu máu nghiêm trọng, có hiện tượng dị ứng. Các biến chứng ngoại khoa cũng được ghi nhận như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa, thủng ruột, viêm phúc mạc, tắc ống dẫn mật, nhiễm khuẩn ống dẫn mật, viêm tụy tạng. Sán lá gan nhỏ gây xơ gan cổ trướng, ung thư đường mật... Sán lá gan lớn gây u gan, áp-xe gan... Sán lá phổi gây ho ra máu... Vì vậy, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu sớm, nghi ngờ mắc bệnh giun sán, cần đến ngay cơ sở y tế thuận tiện nhất để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh giun sán

“Bệnh giun sán phòng cực kỳ dễ. Chúng ta ăn chín, uống sôi thì phòng được. Vì các loại ký sinh đó rất dễ chết bởi nhiệt độ. Thông thường nước sôi 70 độ là các loại giun sán đã bị tiêu diệt. Đối với tác nhân gây bệnh qua đường tiếp xúc gián tiếp, có thể qua đường tay như ăn uống, trẻ em ngồi dưới đất không mặc quần áo bị nhiễm các loại giun sán qua hậu môn hoặc da. Nói chung khâu vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt là quan trọng trong phòng bệnh”, bác sĩ Lương Văn Tuấn cho biết thêm.

Nhiễm giun đường ruột cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới ít được quan tâm do các triệu chứng, biểu hiện không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính khác. Tuy nhiên, các loại ký sinh trùng này là thủ phạm gây nên tình trạng thiếu máu, thiếu chất, xuất huyết và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Tăng cường vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần, hạn chế chơi với chó mèo... giúp phòng bệnh nhiễm giun sán.
   

Kim Liên
 


.