Thịt bò bổ tỳ vị, dưỡng huyết

09:05, 01/05/2017
.

 


Trong các loại thịt gia súc, gia cầm, thịt bò có giá trị dinh dưỡng cao nhất: giàu protid, lipid; muối khoáng, vitamin…
 
Trong các loại thịt gia súc, gia cầm, thịt bò có giá trị dinh dưỡng cao nhất: giàu protid, lipid; muối khoáng, vitamin… Thịt bò là loại thịt được sử dụng chế biến thành các món ăn nhiều nhất. Thịt bò đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với sự tăng trưởng, phát triển cơ bắp.
 
Theo Đông y, thịt bò vị ngọt, tính bình; vào tỳ và vị. Có tác dụng bổ tỳ ích vị, bổ khí, dưỡng huyết, cường gân tráng cốt. Dùng rất tốt cho người tỳ vị hư nhược như gầy yếu sút cân, ăn uống không tiêu, đầy bụng, chán ăn, phù nề, đau lưng mỏi gối, đái tháo đường... Liều dùng, cách dùng: 50 - 200g thịt nạc; nấu, chưng, hầm, xào, om, rang, nướng, chiên, rán. Sau đây là một số món ăn thuốc từ thịt bò:
 
Thịt bò hầm ma hoàng, gừng tươi, hành trắng: thịt bò 200g, ma hoàng 15g, gừng tươi 15g, hành củ 10g. Nấu ma hoàng với nước, lọc bỏ bã, cho thịt bò vào hầm nhừ; cho gừng tươi đập giập, hành củ thái lát và mắm muối và gia vị; đảo đều. Ngày ăn 2 lần, ăn nóng. Thích hợp cho người ngoại cảm phong hàn, hen suyễn.Thịt bò hầm gừng giấm.
 

 

Thịt bò hầm gừng giấm.
Thịt bò hầm gừng giấm.
Thịt bò hầm gừng dấm: thịt bò nạc 200g. Thịt bò luộc chín thái lát, chấm với nước dấm gừng, ăn khi đói. Dùng rất tốt cho người bị phù nề, tiểu rắt.
 
Cháo thịt bò: thịt bò 100g, gạo tẻ 100g. Thịt bò thái lát mỏng nấu với gạo tẻ thành cháo. Khi cháo được, cho gừng tươi đập nhỏ, hành sống thái lát, mắm, muối, hạt tiêu… đảo đều, ăn nóng. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, đau lưng mỏi gối.
 
Thịt bò kho gừng: thịt bò 200g, gừng tươi 30 - 40g. Thịt bò thái lát ngang, gừng tươi gọt vỏ đập giập. Trộn bóp thịt bò với gừng và các gia vị khác như tỏi, bột tiêu, mắm muối. Để 15 - 30 phút cho ngấm đều, đặt lên bếp, đun nhỏ lửa cho đến khi chín nhừ. Thích hợp cho người ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng.
 
Thịt bò hầm thỏ ty tử bổ cốt chỉ hồi hương: thịt bò 250g, thỏ ty tử 15g, bổ cốt chỉ 15g, tiểu hồi 8g. Thịt bò thái lát, ba vị thuốc bỏ trong túi vải xô; cho vào nồi, thêm nước, đun nhỏ lửa cho chín nhừ, vớt bỏ túi bã thuốc, thêm chút rượu ngọt (hoặc rượu và đường trắng), gừng tươi, tương dầu. Dùng cho các trường hợp thận dương hư, hư hàn, lạnh tay chân, ăn kém, đầy bụng, di tinh tảo tiết, liệt dương...
 
Thịt bò hầm thường sơn: thịt bò 200g, thường sơn 9g. Thịt bò thái lát. Cho thịt bò, thường sơn và ít nước, gia vị; nấu dạng súp. Dùng tốt cho người sốt rét, lách to.
 
Đùi bò hầm sơn dược kỷ tử long nhãn: thịt đùi bò (cả thịt nạc và gân bò) 250g, sơn dược 15g, kỷ tử 15g, long nhãn 6g. Thịt bò nhúng nước sôi 3 phút, đem ra thái lát. Xào thịt bò bằng dầu lạc và lửa to, cho tiếp 1 thìa rượu hoặc dấm, đảo thịt, chuyển sang nồi khác, rải sơn dược, kỷ tử, long nhãn lên trên các lát thịt bò. Đập gừng, hành cho tiếp lên mặt trên. Đun sôi, muối mắm gia vị, chút rượu, sau đó đun cách thủy trong 2 giờ, bắc ra thêm bột ngọt là được. Dùng thích hợp cho người bệnh cao tuổi, thị lực giảm, đau lưng mỏi gối.
 
Thịt bò hầm bí ngô: thịt bò nạc 250g, bí ngô 500g, gừng tươi, muối ăn, gia vị thích hợp khác. Thịt bò thái lát, bóp trộn gừng tươi, muối mắm, thêm nước nấu chín, cho bí ngô gọt vỏ bỏ ruột, thái miếng, muối mắm gia vị; đun tiếp cho chín nhừ cho ăn vài lần trong ngày. Dùng tốt cho người viêm khí phế quản, phế viêm ho nhiều đờm đặc.
 
 
Theo BS. Tiểu Lan/SKĐS
 
 

.