Ẩn họa từ các bãi chôn lấp rác

08:04, 02/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Nhất là khi “đất chật, người đông”, khiến khoảng cách giữa bãi chôn lấp và khu dân cư ngày càng thu hẹp dần.

TIN LIÊN QUAN

Toàn tỉnh hiện có 12 bãi chôn lấp rác tập trung, với công suất thu gom khoảng 280 tấn mỗi ngày. Trong đó, bãi chôn lấp rác Nghĩa Kỳ do Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Ngãi làm chủ đầu tư chiếm diện tích lớn nhất (28ha) và lượng rác thải sinh hoạt chôn lấp hằng ngày khoảng 170 tấn. Công ty áp dụng phương pháp đổ rác đến đâu rắc vôi đến đó, cuối ngày phun thuốc khử mùi và thuốc diệt côn trùng, nhằm ngăn ngừa hiện tượng lây lan chất ô nhiễm.

Khi hố chứa đầy rác thì phủ lên bề mặt một lớp đất dày khoảng 0,5 -1m rồi tiến hành đổ vào hố tiếp theo. Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo ngăn ngừa ô nhiễm không khí, song hiện tại, hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi chôn lấp vẫn chưa được xây dựng, nên có nguy cơ gây ô nhiễm cho khu vực xung quanh.

Bãi chôn lấp rác thải tập trung xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) không còn đảm bảo khoảng cách với khu dân cư từ 3 - 5km.
Bãi chôn lấp rác thải tập trung xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) không còn đảm bảo khoảng cách với khu dân cư từ 3 - 5km.


Sống cách bãi chôn lấp rác chưa đầy 1km, ông Lê Thanh Hùng, thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) lo ngại: “Điều tôi sợ nhất là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Nhưng vì điều kiện không cho phép, nên gia đình tôi vẫn phải sử dụng nước giếng, chứ không đủ tiền mua nước đóng chai về sử dụng ăn uống”.

Không chỉ riêng bãi chôn lấp rác Nghĩa Kỳ, mà các bãi chôn lấp rác khác như: Khu xử lý chất thải rắn Đồng Nà, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), bãi xử lý chất thải rắn phía nam huyện Đức Phổ, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xã Long Mai (Minh Long)... cũng không có chống thấm ở đáy, không có hệ thống thu gom nước rỉ...

Đáng ngại nhất là nhiều bãi chôn lấp dù không có hệ thống thu gom nước rỉ rác, nhưng lại được xây dựng gần sông, gần các khu vực có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm của địa phương. Như bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), dù bắt đầu hoạt động từ năm 2007, với tổng diện tích 1.500m2 và chôn lấp khoảng 6 tấn rác trong ngày, nhưng đây lại là bãi chôn lấp lộ thiên lại nằm cạnh sông Trà Bồng, nên có nguy cơ gây ô nhiễm nước sông khi có mưa lớn.

Hoặc bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), đây là bãi chôn lấp lộ thiên, định kỳ 6 tháng mới tiến hành san lấp, rắc vôi, phun hóa chất một lần; nhưng lại được xây dựng ở khu vực có độ cao lớn, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước mặt của thị trấn.

Theo ông Cao Văn Cảnh - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, trong tháng 3 này, hoạt động chôn lấp rác tại khu Đồng Nà sẽ tạm dừng để chủ dự án tiến hành các biện pháp kỹ thuật, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp đó, trong thời gian đến, sẽ tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư khác thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường trong chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định, nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

Không chỉ khó khăn trong xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp, mà ngay cả việc quy hoạch bãi chôn lấp cách xa khu dân cư cũng là một vấn đề nan giải.

“Theo quy định, các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung phải cách xa khu dân cư từ 3 - 5km. Nhưng thực tế, rất khó để có thể quy hoạch được bãi chôn lấp đạt chuẩn về khoảng cách. Nhiều bãi chôn lấp rác thải, dù lúc đầu đảm bảo khoảng cách an toàn, nhưng sau một thời gian, dân cư lại đến sinh sống gần đó, khiến bãi chôn lấp không còn đảm bảo khoảng cách theo đúng quy định...”, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quốc Tân nói về những vướng mắc trong quy hoạch bãi chôn lấp rác thải tập trung, tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào đầu tháng 3.2017.

Bài, ảnh: Đông Yên
 


.