Cách xử lý khi bị chó, mèo cắn

04:03, 22/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bị chó, mèo cắn là một tai nạn khá phổ biến, rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ rất khó phòng tránh. Nếu chủ quan trong xử lý sẽ để lại hậu quả khó lường.

Chó, mèo là vật nuôi rất quen thuộc và gần gũi trong mỗi gia đình. Nguy cơ bị chó, mèo cắn hoàn toàn có thể xảy ra đối với cả người lớn và trẻ nhỏ trong khi tiếp xúc hoặc đùa giỡn với chúng. Khi chó, mèo bị bệnh dại cắn sẽ truyền vi rút dại sang người, gây nên bệnh dại. Nếu nạn nhân không được xử lý nhanh và đúng cách thì sau một thời gian ủ bệnh sẽ phát bệnh và lên cơn dại. Lúc này 100% người bị bệnh dại đều bị tử vong.

Chó nuôi cần được tiêm vắc xin phòng dại hằng năm.
Chó nuôi cần được tiêm vắc xin phòng dại hằng năm.


Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, bác sĩ Võ Văn Phú cho biết: Hiện nay, bệnh dại trên người thường gặp ở Việt Nam phổ biến là do chó nhà cắn đang ở thể điên cuồng. Thể điên cuồng thường gặp là 1/4 trường hợp biểu hiện của nó là khi lên cơn dại chó có những kích thích rất mạnh như: Sủa, hoặc cắn, hoặc là bỏ nhà đi. Khi đó, chó gặp người thì có thể cắn hoặc gặp các loại chó khác cũng cắn và  có phản ứng kích thích với thần kinh vận động như sợ ánh sáng, sợ nước. Vì vậy, khi chó lên cơn dại thì thường bỏ nhà ra đi lang thang trong khoảng thời gian từ 7 - 10 ngày, sau đó nó có biểu hiện bị liệt, không ăn được và tử vong.

Người bị chó, mèo cắn bên cạnh tổn thương ngoài da còn đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, rất nguy hiểm cho tính mạng. Do vậy, người bị chó, mèo cắn cần được xử trí vết thương và phải tiêm vắc xin theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Bác sĩ Võ Văn Phú khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo cắn nên rửa vết thương dưới vòi nước mạnh bằng xà phòng và nước sạch, sau đó có thể xử lý bằng cồn iốt 70 độ.

Đối với trường hợp vết cắn nhiều thì không nên xoa bóp nhiều, vì như vậy sẽ khuếch tán vi rút vào cơ thể người. Có những trường hợp người ta trì hoãn khâu để vết thương hở đến 3 ngày... Ngoài ra, khi xử lý xong thì phải tiến hành tiêm ngay vắc xin phòng dại, những trường hợp nặng, tiêm huyết thanh kháng dại và những điều kiện hỗ trợ khác có thể dùng kháng sinh hoặc tiêm phòng vắc xin uốn ván.

Tiêm phòng cho chó, mèo nuôi trong nhà và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y là nhằm giúp giảm nguy cơ bệnh dại trên người. Khi không may bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương và có thể phải tiêm vắc xin tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: An Hảo

 


.