Vì sức khỏe đồng bào vùng cao

02:02, 08/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên ở xã vùng cao, hơn 10 năm làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại xã miền núi Sơn Hải, địa bàn khó khăn của huyện Sơn Hà, chị đã hết lòng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nghèo. Đó là y sĩ Nguyễn Thị Nhật Phượng- Trạm phó phụ trách Trạm Y tế xã Sơn Hải.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2003, chị Phượng rời quê Sơn Hạ (Sơn Hà) về phố nhập học cùng một niềm tin sẽ giúp đồng bào chăm sóc tốt sức khỏe, đẩy lùi nạn cúng bái khi ốm đau. Sau khi tốt nghiệp chị xin về công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Hải. Lúc đó, trạm chỉ là một ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Dẫu vậy, cô y sĩ trẻ vẫn miệt mài cõng thuốc trên lưng đi đến từng làng phát thuốc, khám bệnh, hướng dẫn bà con phòng tránh dịch bệnh. “Ngày đó bệnh nhân ít tới trạm khám bệnh như bây giờ. Bởi từ trước đến giờ người Hrê có bệnh là giết gà, giết heo nhờ thầy mo đến cúng giải trừ con ma, khi bệnh trở nặng mới tới cơ sở y tế”, chị Phượng tâm sự.

Y sĩ Phượng khám bệnh cho người dân.
Y sĩ Phượng khám bệnh cho người dân.


Những năm gần đây, trạm được xây dựng khang trang, cùng với sự quan tâm của Nhà nước trong việc hỗ trợ thẻ BHYT, nên người dân đến trạm khám ngày càng đông. “Có quãng thời gian người bệnh tin thầy cúng nhiều hơn tin thầy thuốc. Mình không phải khám chữa bệnh mà còn phải tích cực gần gũi, chia sẻ, tuyên truyền để bà con tin, nghe và tìm đến trạm. Có nhiều trường hợp người bệnh được cứu sống, nhiều ca đẻ khó vượt cạn thành công, nên từ đó bà con tin tưởng. Điều đáng mừng là bây giờ bà con địa phương có bệnh là đến với trạm, sử dụng có hiệu quả thẻ BHYT mà Nhà nước đã hỗ trợ”, chị Phượng tâm sự.
 

"Ở vùng cao, do nhận thức có hạn nên nhiều người còn chủ quan với sức khỏe. Đơn cử như chuyện khám thai định kỳ tưởng là đơn giản nhưng với phụ nữ vùng cao là cuộc vận động tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, nhờ tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu, đến nay chị em phụ nữ trong xã đã hạn chế tình trạng đẻ tại nhà, thường xuyên đến trạm để khám thai định kỳ".
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà Đặng Minh Hoàng

Với người dân vùng cao, việc tiêm vắc - xin cho trẻ là điều họ không mấy quan tâm. Nhiều lúc đích thân chị phải đi gõ cửa từng gia đình để vận động. Hơn 10  năm ròng cắm bản chữa bệnh cho dân nghèo, chị bảo: Kỷ niệm với nghề thì nhiều, nhưng đáng nhớ nhất là một số lần cứu sống nhiều sản phụ đẻ tại nhà. Hôm đó, chị tình cờ đi ngang qua thôn Tà Mác, nghe bà con bảo có trường hợp đẻ tại nhà, nhưng đau đẻ từ sáng mà chưa sinh được. Gia đình thì cúng gà, cúng heo linh đình. Chị đến nhà sản phụ nhẹ nhàng nói với người chồng, gia đình cúng thì cứ cúng tôi không cản nhưng hãy để tôi đỡ đẻ cho chị ấy.

Biết lúc này chuyển lên trạm là không kịp, nên chị cùng người nhà sản phụ vật lộn hơn hai giờ đồng hồ, cuối cùng thì "cũng mẹ tròn con vuông”. Mọi người có mặt hôm ấy òa lên hạnh phúc. Còn chị lặng lẽ ra về lo cho các con ở nhà…“Không có chị Phượng thì chắc giờ ba mẹ con mình không còn nữa rồi! Nhà mình nghèo lắm, chẳng biết lấy gì cảm tạ cả. Chỉ biết cảm ơn chị ấy thôi”, người mẹ trẻ Đinh Thị Hương ngồi bên hai đứa con thơ hạnh phúc nói.
           

Bài, ảnh: KN


 


.