Ngày Tết, người bệnh mạn tính ăn uống thế nào cho tốt?

09:01, 26/01/2017
.

Dân gian có câu “đói quanh năm, no 3 ngày tết”, để chỉ rằng dù trong năm có thiếu thốn đến mấy, nhưng 3 ngày tết vẫn phải no đủ để “lấy hên” cho một năm mới no ấm và đủ đầy.

Dân gian có câu “đói quanh năm, no 3 ngày tết”, để chỉ rằng dù trong năm có thiếu thốn đến mấy, nhưng 3 ngày tết vẫn phải no đủ để “lấy hên” cho một năm mới no ấm và đủ đầy. Bởi vậy, nhà nhà đều chuẩn bị những thức ăn và các loại rượu, bia ngon nhất, được bảo quản giữ gìn cẩn thận để ăn, để mời khách trong dịp tết.

Những ngày tết, giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi bị đảo lộn, thói quen vận động cũng không được duy trì; lượng bia rượu tăng đột biến, làm cho chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, dẫn đến tình trạng sức khỏe bị giảm sút. Nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, mỡ máu, thừa cân béo phì, cao huyết áp,… được duy trì ổn định trong năm thì nay bùng phát trở lại, gây những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe.

Để bảo vệ sức khỏe và vui Tết an toàn, PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ cùng bạn đọc lời khuyên về các bệnh mạn tính đái đường, mỡ máu, tim mạch như sau:

1. Hãy lắng nghe cơ thể và thảo luận với bác sĩ

Bạn cần đánh giá lại tình trạng sức khỏe của mình một tuần trước khi tết đến, thảo luận và tham khảo ý kiến bác sĩ để nắm được tình trạng sức khỏe, bệnh tật hiện tại của mình, từ đó điều chỉnh chế độ thuốc men, ăn uống và sinh hoạt trong dịp tết một cách hợp lý. Vì sự tiến triển của các bệnh mạn tính như đái tháo đường, mỡ máu tắng, tim mạch, huyết áp, thừa cân béo phì, … đều liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày.

2. Chế độ kiêng khem
 

Hạn chế bánh chưng, bánh tét vì có nhiều chất bột đường.
Hạn chế bánh chưng, bánh tét vì có nhiều chất bột đường.


Đối với bệnh mỡ máu, đái tháo đường: Bạn cần chú ý kiêng khem, ăn hạn chế chất bột đường như bánh chưng, chè ngọt, các loại bánh kẹo ngọt, bia rượu, vì những thứ này làm tăng đường máu và mỡ máu, làm nặng thêm tình trạng của bệnh.

Hạn chế ăn các đồ rán, chiên, nướng, những thức ăn nhiều mỡ động; nên ưu tiên ăn các đồ hấp, đồ luộc, nhiều rau quả tươi.

Đối với bệnh cao huyết áp, bệnh gút: Bạn cố gắng ăn giảm thức ăn nhiều mỡ, không nên ăn các đồ ăn mặn (dưa cà muối, thịt cá ướp mặn), hạn chế bia, rượu.

Người bị bệnh gút nên tránh ăn các món thịt màu đỏ, hải sản biển, các món sử dụng nước xương hoặc nếu dùng thì hạn chế dùng nước. Luôn chú ý hạn chế hoặc không uống rượu, bia.

3. Chế độ giảm cân

Hạn chế nạp những thức ăn giàu năng lượng để giảm cân.

Nếu thực hiện chế độ giảm cân, bạn chú ý hạn chế nạp những thức ăn giàu năng lượng như bánh chưng, thịt mỡ, các loại bánh kẹo.

Nên ăn nhiều hơn rau xanh, hoa quả ít ngọt có lượng đường thấp; duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao.

4. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Xem thông tin trên nhãn mác thực phẩm chế biến sẵn.

Tránh ăn thực phẩm để nguội trên 6 giờ, khi ăn phải đun sôi trở lại. Khi có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… là những dấu hiệu ngộ độc thức ăn, cần đến khám bác sỹ.

Cần chú ý xem các thông tin trên nhãn mác thực phẩm chế biến sẵn: hãng sản xuất, thành phần dinh dưỡng, ngày sản xuất - ngày hết hạn,… để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Người bị bệnh đái tháo đường, mỡ máu, huyết áp cao cần chú ý đến hàm lưựong đường, muối, cholesterol trong sản phẩm. Nếu hàm lượng đường, cholesterol cao thì không sử dụng.

5. Tập thể dục đều đặn

Với các bệnh mạn tính trên đây, cố gắng duy trì tập thể dục hàng ngày 50-60 phút như thường lệ, những ngày trời rét nên tập trong nhà, không nên ra ngoài đường để tránh bị cảm lạnh. Những môn phù hợp cho người trung niên và cao tuổi là tập dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền.

Nếu không may các bệnh mạn tính, bạn hãy tuân thủ những lưu ý trên để chào đón một năm mới trọn vẹn niềm vui, nhiều sức khỏe và may mắn.

Theo SKĐS

 


.