Công tác dân số ở Tây Trà: Còn nhiều thách thức

02:11, 17/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhờ tập trung nhiều giải pháp giảm sinh nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở huyện vùng cao Tây Trà giảm đáng kể. Tuy nhiên, bài toán nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Thay đổi nếp nghĩ  

Xã Trà Phong là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách dân số của huyện Tây Trà. Nói về công tác dân số, già làng Hồ Văn Nghĩa, người có uy tín ở xã Trà Phong vui mừng khoe: “Trước đây, sinh đẻ nhiều nên khổ lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nên già vận động con cháu không sinh nhiều nữa, để phát triển kinh tế, lo cho bọn trẻ đi học”.

Đúng như lời của già Nghĩa, cách đây 10 năm về trước tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày ở địa phương khá phổ biến, con trẻ không được đến trường đầy đủ, đời sống bà con đa số là hộ nghèo. Nay bức tranh dân số ở xã Trà Phong đã thay bằng gam màu sáng. Nhiều cặp vợ chồng trẻ bây giờ ý thức việc giảm sinh đi đôi với phát triển kinh tế, nên dù sinh hai con một bề nhưng chủ động kế hoạch hóa để nuôi dạy con cho tốt.

Chị Hồ Thị Hồng Thanh tích cực tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ.
Chị Hồ Thị Hồng Thanh tích cực tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ.


Anh Hồ Văn Tiền, ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong là một trong những trường hợp như vậy. “Giờ hiện đại rồi, sinh đẻ nhiều sẽ không có điều kiện cho con ăn học", anh Tiền chia sẻ.  Ngồi kế bên chồng, chị Hồ Thị Nghiệp (vợ anh Tiền) tiếp tục câu chuyện: “Con trai, con gái cũng là con mình đẻ ra. Mình thương yêu, chăm sóc, lo cho chúng đi học. Chứ cán bộ dân số nói nhiều rồi, đẻ nhiều, đẻ dày sẽ không lo được đầy đủ cho con, mà sức khỏe của người phụ nữ cũng bị ảnh hưởng”.

Chị Hồ Thị Hồng Thanh, cán bộ chuyên trách dân số xã Trà Phong cho biết, cách đây 5 năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 hằng năm luôn cao trên 15%. Thời gian gần đây, nhờ huy động sự vào cuộc của các ban, ngành trong xã, già làng uy tín, cộng tác viên dân số tích cực tuyên truyền; xã hỗ trợ kinh phí các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, nên chị em phụ nữ địa phương tích cực thực hiện các biện pháp tránh thai. Từ đầu năm đến nay, toàn xã chỉ có 4 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.

Có chuyển biến, nhưng thiếu bền vững

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tây Trà Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền trên địa bàn huyện luôn chú trọng đến công tác DS-KHHGĐ, coi đây là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy  phát triển KT-XH của địa phương. Thông qua các hình thức tuyên truyền, nhận thức của người dân về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ từng bước được nâng lên, nhiều gia đình áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch. Trong 9 tháng năm 2016, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện giảm còn 8,5%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt gần 80%.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song công tác DS-KHHGĐ của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là nhận thức của một bộ phận nhân dân về chính sách dân số ở một số địa bàn còn hạn chế, nhiều gia đình còn tư tưởng “con trai nối dõi tông đường” và “trọng nam kinh nữ”... Do đó, tỷ lệ sinh của huyện chưa bền vững và nhiều năm nay còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, chất lượng dân số trên địa bàn còn thấp; tỷ lệ sản phụ đẻ tại nhà, phụ nữ mắc bệnh về đường sinh sản, trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số do thiếu kinh phí, nên triển khai chưa được đồng bộ. Chính vì vậy, để công tác dân số đạt hiệu quả cao, rất cần sự trợ lực từ các cấp, ngành và sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị ở địa phương.    

                                                                                                
Bài, ảnh: TRÍ PHONG

 


.