Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân tâm thần: Chính sách hay cần được duy trì

09:10, 24/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Để hỗ trợ việc điều trị phục hồi, Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi đang áp dụng một số chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người bệnh tâm thần. Đây là sự giúp đỡ hết sức ý nghĩa nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình các bệnh nhân.
Ông Trương Văn Sơn, ở huyện Trà Bồng có con đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Căn bệnh đã hành hạ người con trai suốt nhiều năm nay. “Ở nhà được 1, 2 tháng thì tui lại phải khăn gói đưa nó xuống viện nằm cả tháng mới về lại. Cứ vậy hoài vì bệnh này hay phát đi phát lại”- ông Sơn chia sẻ.
 
Theo ông Sơn, mặc dù con ông được thanh toán viện phí theo thẻ bảo hiểm y tế, nhưng gánh nặng về chi phí đi lại, ăn ở trong quá trình điều trị vẫn khiến gia đình lo nghĩ. Một lần nằm viện của con trai, ông Sơn lúc nào cũng tốn mất 3-4 triệu đồng. Với một gia đình thuần nông, thu nhập mỗi tháng không quá 5 triệu đồng thì số tiền ấy không hề nhỏ.
 
Chia sẻ với nỗi lo ấy của nhiều gia đình bệnh nhân là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi từ 3 năm nay đã thực hiện Quyết định 05 của UBND tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ đối với mỗi bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến huyện trở lên là 3% mức lương tối thiểu, tức khoảng 36.500 đồng/ ngày.

 

Các bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú hầu hết đều thuộc diện khó khăn về kinh tế, nên rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước
Các bệnh nhân điều trị nội trú hầu hết đều thuộc diện khó khăn về kinh tế, nên rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước.
 
“Cứ buổi sáng nhập viện, thì đến trưa con trai tôi đã được nhận tiền hỗ trợ là hơn 36.000 đồng/ngày. Số tiền này sẽ gánh đỡ bớt một phần chi phí cho gia đình”- Ông Sơn bộc bạch.
 
Trong số 116 trường hợp đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh thì có hơn 90% trường hợp là có thẻ BHYT. Trong đó, có khoảng 10% nhận được hỗ trợ 36.500 đồng tiền ăn mỗi ngày.
 
Bác sỹ Võ Đình Kỳ- Trưởng khoa Tâm thần nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho hay: Từ khi có chính sách hỗ trợ chế độ ăn cho bệnh nhân khi triển khai thấy rất tốt vì đa phần những bệnh nhân đều rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách hay thì cần được kéo dài để người bệnh được thụ hưởng.
 
Ngoài thực hiện hỗ trợ tiền ăn theo Quyết định 05 của UBND tỉnh, tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn triển khai thực hiện chế độ bảo trợ tiền ăn trưa 15.000 đồng/ngày/người theo Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Hiện có hơn 40% số bệnh nhân điều trị nội trú thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ này.
 
Tuy nhiên, nguồn kinh phí theo Nghị định 67 cấp cho Bệnh viện đến cuối tháng 9.2016 vừa qua đã hết. Và hiện tại Bệnh viện đã ngưng thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng này. Đây là điều khá thiệt thòi cho các bệnh nhân tâm thần.
 
Bởi, các gia đình có người bệnh tâm thần phải điều trị nội trú đều có hoàn cảnh khó khăn. Dù được thanh toán viện phí theo thẻ BHYT, nhưng những chi phí khi phải nằm viện điều trị dài ngày như tiền ăn, tiền tàu xe đi lại, chuyển tuyến...vẫn luôn là gánh nặng.
 
“Mấy tháng trước con gái tôi điều trị nội trú còn được hỗ trợ một ngày mười mấy nghìn. Dù ít những mà đỡ tốn chi phí tiền ăn lắm. Nhưng từ đầu tháng 10 đến giờ thì gia đình phải tự lo tiền ăn trưa, không được hỗ trợ nữa. Gia đình chỉ mong nhà nước tiếp tục hỗ trợ để bớt khổ”- bà Nguyễn Thị Thơm có con bị tâm thần phân liệt đang điều trị, buồn rầu chia sẻ.
 
Trên thực tế, dù đã có sự hỗ trợ từ nhà nước nhưng các gia đình có người mắc bệnh tâm thần hầu hết đều khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc. Nay nguồn kinh phí bảo trợ lại bị cắt thì càng khó khăn hơn.
 
Bác sĩ Đặng Trong- Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần tỉnh cho biết: Những bệnh nhân tâm thần khi vào điều trị tại bệnh viện, thì đi kèm với một người nhà thường xuyên ở lại để chăm sóc. Bản chất điều kiện kinh tế của họ đã khó khăn rồi, khi bước vào điều trị lâu dài thì tài chính càng khó khăn hơn. Do đó, sự hỗ trợ từ những chính sách luôn là điều cần thiết đối với các bệnh nhân tâm thần.
 
Những năm gần đây, đối tượng là người tâm thần đã nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước cũng như các cơ quan, ban ngành. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó đối với những gia đình có người mắc bệnh tâm thần chỉ như “muối bỏ biển”, bởi hầu hết họ đều rơi vào diện hộ nghèo. Vì vậy, cần có chính sách riêng để chia sẻ, hỗ trợ bệnh nhân tâm thần và người nhà của họ.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.