Chị Suốt "dân số"

02:09, 06/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiệt tình, đam mê công việc. Đó là phẩm chất của chị Đinh Thị Suốt, cán bộ chuyên trách dân số xã Sơn Trung (Sơn Hà). Chị đã góp phần xóa đi quan niệm “đông con hơn nhiều của” của nhiều hộ dân ở địa phương. Vì vậy mà người dân gọi chị với cái tên trìu mến: "Chị Suốt dân số”.

Dù phụ cấp ít ỏi, địa bàn đi lại cách trở, nhưng chị Suốt vẫn miệt mài đi "đến từng ngõ, gõ cửa tận nhà" để tuyên truyền cho người dân nắm được các chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước. Xã có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Hrê, sinh sống ở 7 thôn, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống còn khó khăn; người dân còn nặng tư tưởng “đông con hơn nhiều của”, nên tỷ lệ sinh con thứ ba ở xã luôn ở mức cao hơn 10%.

 

Chị Đinh Thị Suốt.
Chị Đinh Thị Suốt.


Bản thân là người dân tộc Hrê, thấu hiểu tâm tư, tình cảm cũng như các phong tục, tập quán của người dân, nên khi được phân công làm cán bộ chuyên trách dân số, chị Suốt đã cùng cộng tác viên dân số các thôn, phối hợp với các già làng đến nhà tuyên truyền, thuyết phục để người dân hiểu về lợi ích của sinh ít con. Thời gian đầu, nhiều cặp vợ chồng ngại tiếp xúc, nên chỉ một số tham gia CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3”. Nhưng rồi, qua vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nên ngày càng có nhiều chị em đăng ký không sinh con thứ 3 và tham gia sinh hoạt CLB.
 

5 năm trước, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Sơn Trung trên 10%, thì đến nay tỉ lệ này đã giảm còn 6%. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hằng năm đều vượt chỉ tiêu huyện giao.

Chị cùng cộng tác viên dân số rà soát lại số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cặp vợ chồng đã có hai con, hoặc có hai con nhưng sinh con một bề là gái để chủ động đến trò chuyện, vận động. Chị luôn bám sát các chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ của huyện để triển khai, vận động chị em tham gia. Chủ động gặp gỡ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thăm hỏi tình hình gia đình, giải đáp những vướng mắc, khó khăn, hướng dẫn họ biết cách chăm sóc  sức khỏe khi mang thai, cách cho con bú, các phương pháp nuôi con nhỏ và sử dụng các biện pháp tránh thai...

Chị còn phối hợp với Hội Phụ nữ xã lồng ghép các buổi sinh hoạt hằng tháng, để tuyên truyền gián tiếp như phát tờ rơi, hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; vận động các gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con, để nuôi dạy con tốt và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Tích cực tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã về các chính sách, Pháp lệnh Dân số, đưa công tác DS - KHHGĐ vào quy ước, hương ước thôn văn hóa, tổ chức ký cam kết thôn  không sinh con thứ 3. Cùng với đó là giao chỉ tiêu cho từng cộng tác viên; hằng tháng tổ chức giao ban đánh giá kết quả hoạt động cụ thể để nắm bắt tiến độ, chỉ tiêu của từng thôn. Từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện cho phù hợp với nhu cầu từng thôn, nhóm đối tượng và đưa ra phương hướng cho những tháng tiếp theo.

 Nhờ những hoạt động tích cực của chị Suốt, giờ đây tư tưởng người dân trong xã Sơn Trung đã có chuyển biến, nhiều gia đình sinh con một bề là gái, nhưng không sinh thêm, mà tập trung nuôi con ăn học. Điển hình như gia đình anh Đinh Văn Ri, ở thôn Làng Nà, dù sinh hai con một bề là gái. Lúc đầu vợ chồng anh chị cũng có ý định sinh thêm con để kiếm con trai, nhưng chị Suốt đến nhà thuyết phục, giải thích nên vợ anh Ri đã đi kế hoạch hóa gia đình. Hiện hai cô con gái của anh Ri được nuôi dạy chu đáo, học hành tiến bộ, gia đình anh có điều kiện làm kinh tế, không còn là hộ nghèo của xã. Chị Suốt tâm sự: “Làm công tác này phải biết đồng cảm và chia sẻ thì người dân mới nghe theo”.


   Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 


.