Thiếu bác sĩ ở các bệnh viện chuyên khoa

03:04, 17/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 3 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và hiện đang đầu tư xây dựng Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi. Tuy nhiên, bài toán nhân lực bác sĩ tại các bệnh viện này đang là nỗi lo của ngành y tế.

Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh là một trong những đơn vị đã được đầu tư cơ ngơi khang trang, đáp ứng công tác khám, điều trị bệnh nhân lao. Bệnh viện được đầu tư  nhiều thiết bị hiện đại, như máy X-Quang, máy chẩn đoán nhanh Gên-Xpert phát hiện lao kháng thuốc, máy Bactec-Mgic... Song, bài toán thiếu bác sĩ chuyên khoa nhiều năm nay vẫn chưa có lời giải. Bác sĩ Nguyễn Bé-Giám đốc Bệnh viện, cho biết: “Ba năm qua, chúng tôi chỉ thu hút được 2 bác sĩ dự phòng, trong khi bệnh viện rất cần bác sĩ đa khoa nhưng không có. Hầu hết các khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện đều do kỹ thuật viên đảm nhận. Hiện tại bệnh viện chỉ có 10 bác sĩ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và  bệnh Phổi khám bệnh cho bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi khám bệnh cho bệnh nhân.

 

“Hiện tại chúng tôi đã lên kế hoạch củng cố nhân lực tại các bệnh viện chuyên khoa. Theo kế hoạch, sẽ rút khoảng 50 bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh về công tác tại Bệnh viện Sản-Nhi. Cùng với đó, năm 2016, Sở Y tế sẽ thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút bổ sung thêm khoảng 40 bác sĩ và tăng cường đào tạo nhân lực để đáp ứng đủ nhân lực khi Bệnh viện đi vào hoạt động”.
Ông NGUYỄN TẤN ĐỨC- Giám đốc Sở Y tế.         

Bác sĩ Trần Thị Bích Tuyến - Trưởng Khoa Lao- Phổi lo lắng nói: “Khoa chỉ có 2 bác sĩ điều trị- kiêm quản lý Khoa, nhưng phải đảm nhận điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân nội trú nên có lúc hiệu quả phục vụ bệnh nhân không cao. Chúng tôi muốn đi học nâng cao chuyên môn cũng chưa đi được”. Theo quy định, với quy mô 100 giường bệnh, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh phải có 20 bác sĩ, nhưng hiện nay chỉ có 10 bác sĩ (kể cả Ban Giám đốc).

Trong khi đó, Bệnh viện Tâm thần mỗi ngày có khoảng 200-300 bệnh nhân đến khám điều trị ngoại trú, nhưng bác sĩ khu khám bệnh chỉ bố trí 1-2 người. “Khi nào bệnh nhân đông, chúng tôi mới tăng cường bác sĩ tại khoa nội trú lên “tiếp ứng”, bởi bệnh viện đang thiếu bác sĩ trầm trọng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ, lý giải. Hiện bệnh viện chỉ có 11 bác sĩ, nhưng phải khám và điều trị cho khoảng gần 100 bệnh nhân nội trú và 300 bệnh nhân ngoại trú/ngày. Ngoài ra, bệnh viện còn phải đảm nhiệm việc chuyển giao công nghệ cho các trung tâm y tế, trạm y tế phường, xã trong tỉnh và tham gia điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.

Sức ép về công việc ngày một lớn, nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên nhiều năm nay, bệnh viện không thể tuyển đủ chỉ tiêu bác sĩ và cử nhân tâm lý trị liệu chuyên khoa tâm thần. Hiện nay, việc chuẩn bị nhân sự cho Bệnh viện Sản - Nhi sẽ đi vào hoạt động năm 2017 cũng đang là thách thức lớn đối với ngành y tế.

Việc phát triển các bệnh viện chuyên khoa là một yêu cầu cấp thiết, nhằm từng bước đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng đi đôi với hoàn thiện cơ sở vật chất thì việc chủ động tăng cường đào tạo nhân lực bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa sâu để giúp nâng cao hiệu quả điều trị thì mới có thể tạo niềm tin cho nhân dân.
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.