Sơn Tây: Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3

03:04, 26/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015, với tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm hơn 21,6%, huyện miền núi Sơn Tây đang là một trong những địa phương miền núi “nóng” về công tác dân số.

TIN LIÊN QUAN

Sơn Long là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Tây, có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đứng đầu huyện. Năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã chiếm 31%. Anh Nguyễn Duy Lam - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện, chia sẻ: “Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào Ca Dong, đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí hạn chế nên nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch chưa tốt. Mặc dù bà con có sử dụng các biện pháp tránh thai, nhưng dùng không đúng cách nên nhiều gia đình bị vỡ kế hoạch”.

Già làng tham gia tuyên truyền dân số tại nhà dân ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây).
Già làng tham gia tuyên truyền dân số tại nhà dân ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây).


Còn ở xã Sơn Mùa, dù gần trung tâm huyện, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng ở mức cao, gần 20%. Chị Đinh Thị Voi, ở thôn Tu Lang, xã Sơn Mùa, mới hơn 30 tuổi nhưng có đến 3 con nhỏ, nên cuộc sống của gia đình chị thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hằng ngày, chị chăm sóc con, còn chồng đi làm keo, làm rẫy kiếm tiền lo cho gia đình. “Do muốn có con trai nên phải sinh nhiều. Giờ vất vả lắm, không lo đầy đủ cho các con được”, chị Voi bộc bạch. Trong khi đó, gia đình chị Đinh Thị Biên, ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa cũng đồng cảnh ngộ. Hai con lớn của chị đã học cấp hai, nhưng do dùng thuốc tránh thai không đúng cách, dẫn đến vỡ kế hoạch sinh thêm con thứ 3. Vì thế, nhà vốn đã nghèo nay lại càng khó khăn hơn.

Anh Lê Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa cho biết: “Một trong những vấn đề khó khăn của địa phương hiện nay là tỷ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao, dẫn đến không có điều kiện chăm sóc con và phát triển kinh tế gia đình”.

Theo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sơn Tây, năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ 3 của huyện chiếm 21,6%, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên hơn 11,2%. Tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh khá cao. Trong năm 2015, có 116 trẻ em gái/157 trẻ em nam được sinh ra, với tỷ lệ chênh lệch là 135%.

Một trong những nguyên nhân khiến cho công tác dân số của huyện gặp nhiều khó khăn là do giao thông cách trở, dân cư sống không tập trung... làm ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Mức  phụ cấp cho cộng tác viên dân số cơ sở mỗi tháng chưa tới 200 nghìn đồng, nên chưa khuyến khích họ tham gia nhiệt tình. Cùng với đó, đa phần cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số là người đồng bào nên năng lực còn hạn chế, thu thập số liệu thống kê tình hình dân cư còn chậm. Chính quyền ở các xã chưa thật sự quan tâm đến hoạt động công tác DS-KHHGĐ nên hiệu quả còn thấp.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Nguyễn Duy Lam cho rằng, thời gian tới sẽ tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác DS-KHHGĐ. Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền; hướng dẫn và đôn đốc các xã thực hiện tốt công tác truyền thông chuyển đổi hành vi, nhằm tăng nhanh số người áp dụng các biện pháp tránh thai và thực hiện mô hình gia đình ít con. Có như thế, mới từng bước ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.


Bài, ảnh: KN


.