Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24.3:
Quyết tâm cao tiến tới thanh toán bệnh lao

02:03, 24/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Mỗi năm, Quảng Ngãi có 1.300-1.400 bệnh nhân mắc lao, trong đó 20-40 ca mắc lao kháng thuốc. Để tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2035, cần có sự nỗ lực rất lớn không chỉ của ngành y mà còn sự quyết tâm cao của cả cộng đồng.
Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngày càng tăng. Trong khi đó, việc chẩn đoán các ca mắc lao kháng thuốc tại Quảng Ngãi vẫn còn khá hạn chế do chưa đủ trang thiết bị. Các mẫu bệnh phẩm nghi có vi trùng lao kháng thuốc được gửi đi Hà Nội hoặc TP.HCM để xét nghiệm.
 
Kết quả chỉ được trả về sau một khoảng thời gian khá dài là 1-2 tháng. Vì thế, mỗi khi phát hiện có bệnh nhân nghi nhiễm lao kháng thuốc, để tiết kiệm thời gian cho người bệnh, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên chuyển tuyến trên để được chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.

 

Hiện nay, các bệnh nhân mắc lao kháng thuốc đã có thể được chẩn đoán nhanh và điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi Quảng Ngãi với tỷ lệ thành công cao
Hiện nay, các bệnh nhân mắc lao kháng thuốc đã có thể được chẩn đoán nhanh và điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi Quảng Ngãi với tỷ lệ thành công cao
 
Tuy nhiên, đó là chuyện của 5 tháng trước. Còn giờ đây, các bệnh nhân nghi mắc lao kháng thuốc đã có hy vọng mới khi được chẩn đoán và điều trị tại quê nhà với chi phí thấp hơn rất nhiều lần. “Từ quý IV năm 2015, Bệnh viện lao và bệnh phổi Quảng Ngãi được tài trợ máy gen xpert và máy nuôi cấy lỏng nhằm hỗ trợ phát hiện vi trùng lao và lao kháng thuốc một cách nhanh nhất trong vòng 2-4 tiếng. Điều này đã tạo nên một điểm nhấn hết sức ấn tượng trong công tác chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện”- Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc bệnh viện lao và bệnh phổi Quảng Ngãi chia sẻ.
 
Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, từ tháng 11.2015 đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị các trường hợp mắc lao kháng thuốc với tỷ lệ thành công 70%- khá cao so với mặt bằng chung trên cả nước là 60%. Trung bình mỗi tháng, bệnh viện  xét nghiệm chẩn đoán cho 40-60 trường hợp nghi mắc lao kháng thuốc.
 
“Đâu phải ai cũng có điều kiện đi xa. Như hoàn cảnh gia đình tôi thì chịu, không đủ tiền trang trải hàng ngày làm sao tích cóp nổi tiền đi điều trị ở các thành phố lớn. Nhưng may quá, giờ có máy móc hiện đại và sự chăm sóc tận tình của bác sĩ mà giờ tôi có thể ở quê uống thuốc điều trị”- Anh Nguyễn Đức T.- một bệnh nhân mắc lao kháng thuốc cho biết.

 

Máy gen Xpert cho kết quả xét nghiệm mắc lao kháng thuốc chỉ sau 2-4 tiếng
Máy gen Xpert cho kết quả xét nghiệm mắc lao kháng thuốc chỉ sau 2-4 tiếng
 
Anh T. là một trong hơn 20 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị nhanh, kịp thời ở ngay tại Bệnh viện lao và bệnh phổi Quảng Ngãi từ cuối năm 2015 đến nay. Bác sĩ Trần Thị Bích Tuyến- Trưởng khoa lao, phổi cho biết: “Giờ đây các bệnh nhân lao kháng thuốc không cần phải đi xa. Như bệnh nhân T., cách đây 2 tuần nhập viện với sức khỏe vô cùng yếu do suy hô hấp, ho nhiều. Kết quả xét nghiệm từ máy gen Xpert cho thấy bệnh nhân bị nhiễm lao kháng thuốc. Sau khi tuân thủ điều trị, bệnh nhân đã có thể xuất viện và điều trị tại nhà với tình trạng sức khỏe khá tốt”.
 
Sự nỗ lực của ngành y để thanh toán bệnh lao đã thể hiện rất rõ qua khâu chẩn đoán, điều trị một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, bệnh lao có được xóa sổ hay không lại phụ thuộc phần lớn vào bản thân người mắc bệnh và sự trợ giúp của cả cộng đồng. Nhất là đối với bệnh lao kháng thuốc, nếu người bệnh không tích cực tuân thủ điều trị liên tục trong 20 tháng với chế độ sinh hoạt điều độ, thì nguy cơ mắc trở lại rất cao. Đặc biệt, những trường hợp này có nguy cơ cao mắc lao siêu kháng thuốc, trầm trọng hơn cả HIV/AIDS.
 
Chính vì vậy, chủ đề của ngày Thế giới phòng chống lao năm nay được tổ chức Y tế thế giới nêu rõ “Đoàn kết, chung sức thanh toán bệnh lao”. Mỗi cá nhân - không phân biệt quốc gia, tuổi tác, giới tính hay nghề nghiệp - tất cả cùng hợp lực để chấm dứt bệnh lao. Mỗi năm, Quảng Ngãi có 1.300-1.400 bệnh nhân mắc lao, trong đó 20-40 ca mắc lao kháng thuốc. Để tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2035, cần có sự nỗ lực rất lớn không chỉ của ngành y mà còn sự quyết tâm cao của cả cộng đồng.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.