Chăm sóc SKSS cho phụ nữ nông thôn

09:03, 24/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) đã đẩy mạnh chiến dịch chăm sóc SKSS lồng ghép dịch vụ KHHGĐ, nhằm nâng cao sức khỏe cho chị em phụ nữ, hạn chế tình trạng sinh con thứ 3.

TIN LIÊN QUAN

Trước đây, xã Nghĩa Thương là một trong những địa phương “nóng” về việc sinh con thứ 3 trở lên (tỉ lệ 13-14%/năm). Nguyên nhân là do người dân nhận thức về công tác DS - KKHGĐ, chăm sóc SKSS còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác DS - KHHGĐ. Đảng ủy xã đưa nội dung công tác DS - KHHGĐ vào trong chương trình công tác trọng tâm; chỉ đạo các ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác DS - KHHGĐ. Hằng năm, UBND xã đều trích kinh phí hỗ trợ cho Ban dân số xã triển khai 3 đợt chiến dịch chăm sóc SKSS lồng ghép hoạt động truyền thông, tư vấn. Nhờ đó, chiến dịch chăm sóc SKSS lồng ghép dịch vụ KHHGĐ đợt I (2016) đã thu hút nhiều chị em trong độ tuổi sinh đẻ tham gia.

Phụ nữ xã Nghĩa Thương được tư vấn phương pháp tránh thai hiện đại.
Phụ nữ xã Nghĩa Thương được tư vấn phương pháp tránh thai hiện đại.


Chị Lê Thị Bích Trâm, ở thôn La Hà 1, có 3 cô con gái, vợ chồng chị rất mong có thêm con trai để “nối dõi tông đường”, nhưng qua tư vấn vợ chồng chị quyết định không sinh tiếp để có điều kiện chăm lo tốt cho con. Khi biết có chiến dịch, chị đã gác lại việc đồng áng đến trạm y tế xã để được chăm sóc SKSS và tư vấn lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp.“Con trai hay gái cũng là con mình. Gia đình tôi quyết định “kế hoạch” không sinh tiếp để lo cho các con ăn học được chu đáo”, chị Trâm chia sẻ.

Còn với chị Nguyễn Thị Nhỏ, có hai con gái, nhưng chị vẫn nhất quyết với thông điệp "Gái hay trai chỉ hai là đủ”. Chị được chồng đưa đến trạm y tế để  kiểm tra SKSS và lựa chọn cách KHHGĐ. “Tại chiến dịch này,  tôi còn được tầm soát ung thư cổ tử cung, nên an tâm về sức khỏe và thực hiện KHHGĐ”.

Chị Trần Thị Mỹ Dung - cán bộ chuyên trách dân số xã Nghĩa Thương cho biết: Chúng tôi phối hợp thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ, giúp chị em tiếp cận các biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe. Tổ chức cho mạng lưới cộng tác viên rà soát đối tượng trong độ tuổi sinh sản chưa áp dụng các biện pháp KHHGĐ, hoặc đã thực hiện một biện pháp trong thời gian dài, cần được kiểm tra lại. Đối với các đối tượng khó tiếp cận, cán bộ dân số lập đoàn tuyên truyền vận động, thuyết phục, tư vấn để các chị đồng ý thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Chiến dịch lần này được chính quyền hỗ trợ tích cực nên hiệu quả mang lại khá cao.

Trong hai ngày diễn ra chiến dịch đã có hàng trăm chị em được y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện và Trạm y tế xã tư vấn thực hiện các biện pháp tránh thai. Các chị còn được khám, tư vấn làm mẹ an toàn; chế độ dinh dưỡng khi mang thai; chế độ nghỉ ngơi hợp lý; phát hiện các bệnh liên quan đến đường tình dục, bệnh phụ khoa; siêu âm cho những đối tượng có nhu cầu; khám thai, cấp viên sắt cho phụ nữ có thai.
Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ đã mở ra cơ hội cho chị em phụ nữ nông thôn được tiếp cận với các kiến thức về chăm sóc SKSS và thực hiện các biện pháp KHHGĐ hợp lý.
            

Bài, ảnh: T.PHONG
 


.