Tự ý truyền dịch, truyền đạm: Coi chừng mất mạng

09:02, 29/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Nhiều người vẫn có thói quen là tự ý truyền dịch, truyền đạm khi thấy cơ thể mỏi mệt, hoa mắt, chóng mặt. Hậu quả của thói quen này khiến không ít người suýt thiệt mạng.
 
Cấp cứu vì tự ý truyền dịch
 
Hễ thấy cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ốm yếu, nhiều người, nhất là ở nông thôn, nơi trình độ nhận thức của bà con còn hạn hẹp có thói quen đến các tiệm thuốc tây, y tá thôn bản nhờ truyền dịch vì hiểu nôm na là “thuốc bổ”, sẽ giúp cơ thể nhanh khỏe mạnh. Và không ít trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu vì biến chứng do tự ý truyền dịch.
 
Sự việc đã xảy ra hơn 2 tháng, nhưng khi kể lại, em Huyền, ở huyện Sơn Tịnh đang là sinh viên một trường cao đẳng tại tỉnh Khánh Hòa vẫn còn bàng hoàng.
 
Em Huyền mổ khối u thịt trên mặt. Ca mổ khá đơn giản nên bác sỹ cho về nhà uống thuốc chỉ ba ngày là tháo băng. Vài ngày sau thấy cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, thỉnh thoảng tai ù đi và hoa mắt. Nghe mọi người mách truyền nước sẽ khỏe lại ngay. Nghe vậy em liền đến tiệm thuốc tây gần chỗ trọ nhờ truyền nước biển.
 
Chưa hết một chai, em đã thấy tim đập nhanh hơn, chân tay lạnh, rồi choáng váng, co giật, cơ thể sốt cao đột ngột đến 40 độ C. Chủ tiệm vội rút van đưa em đến bệnh viện cấp cứu, bác sỹ kết luận em Huyền bị sốc phản vệ trong quá trình truyền nước.

 

Nhiều người có thói quen tự ý mua dịch, đạm về truyền.
Nhiều người có thói quen tự ý mua dịch, đạm về truyền.
 
Cũng may bệnh viện gần đó nên em Huyền được cấp cứu kịp thời, nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tai qua nạn khỏi, em Huyền bị một phen hú vía, được một bài học xương máu vì thiếu hiểu biết, còn chủ tiệm thì được bác sỹ “giáo huấn” về sự chủ quan khi hành nghề.
 
Lần cấp cứu này, bác sỹ chẩn đoán Huyền có tiền sử bị bệnh tim và nguyên nhân của chứng hoa mắt, ù tai là do em bị viêm mũi dị ứng để lâu ngày không điều trị nên dẫn đến viêm tai xuất tiết.
 
Không chỉ tự ý truyền dịch, truyền đạm do thiếu hiểu biết, không ít người có thói quen ngay khi nằm điều trị bệnh tại các bệnh viện khi chủ quan, coi truyền dịch, đạm chỉ là một phương pháp điều trị đơn giản,  tự ý điều chỉnh van để tăng tốc độ trruyền vì nghĩ rằng như vậy sẽ rút ngắn thời gian truyền, đỡ mỏi tay.
 
Phải theo chỉ định của bác sỹ
 
Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể, là môi trường cho các hợp chất hoá học có trong cơ thể tồn tại và thực hiện vai trò của chúng, tham gia đào thải các chất cặn bã của các quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Dịch truyền có tác dụng nâng huyết áp cơ thể, để cân bằng các chất điện giải có trong máu khi người bệnh.

 

Việc truyền bất cứ chất gì vào cơ thể cũng phải theo chỉ định của bác sỹ.
Việc truyền bất cứ chất gì vào cơ thể cũng phải theo chỉ định của bác sỹ.
 
Theo bác sỹ Phạm Thúy Ái- Trưởng khoa Nội- Nhi- Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP. Quảng Ngãi, khi cơ thể bị một số bệnh dẫn đến mất nước như sốt cao liên tục, tiêu chảy, nôn mửa, ngộ độc, mất máu, suy dinh dưỡng nặng những người không được ăn uống để chuẩn bị phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật,… thì bác sỹ sẽ chỉ định truyền dịch.
 
Tuy nhiên, tùy vào các kết quả xét nghiệm, bệnh lý nội khoa của bệnh nhân mà bác sỹ sẽ chỉ định lượng truyền, tốc độ truyền và loại dung dịch phù hợp thì cơ thể mới dung nạp được, chứ không phải trường hợp nào cũng được truyền.
 
Với những bệnh nhân có tiền sử tim mạch, nếu tốc độ truyền nhanh sẽ dễ dẫn đến quá tải. Khi nó vượt quá ngưỡng cơ thể có thể chịu đựng thì sẽ gây sốc, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong.
 
“Chính vì tai biến nguy hiểm này mà cảnh báo đến tất cả mọi người không nên tự ý truyền dịch, đạm tại nhà riêng, các cơ sở y tế không có đầy đủ phương tiện cấp cứu, sẽ nguy hiểm đến tính mạng”- bác sỹ Ái khuyến cáo.
 
Không nên lạm dụng tiêm truyền với các mục đích không do nhu cầu chữa bệnh. Khi có biểu hiện bệnh, mọi người phải đến các bệnh viện để khám và chữa bệnh theo chỉ dẫn của bác sỹ.  Khi truyền dịch, đạm, người bệnh phải nằm, cử động nhẹ nhàng giúp dịch lưu thông thuận lợi vào cơ thể. Người bệnh cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của y bác sĩ.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

.