Y học cổ truyền chữa hen phế quản

08:01, 18/01/2016
.

Trong y học cổ truyền, bệnh hen phế quản được xếp vào chứng háo suyễn. Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân của bệnh là do cảm phải ngoại tà (phong, hàn, nhiệt, thấp); hoặc các yếu tố bên trong làm rối loạn chức năng các tạng tỳ, phế, thận.

Trong điều trị hen phế quản thường sử dụng các bài thuốc có tác dụng tán hàn, giáng khí, tiêu đờm, trừ thấp, bổ hư để điều trị chứng bệnh này. Tùy vào tình trạng bệnh mà chia ra điều trị trong cơn hen và ngoài cơn hen.

Điều trị lúc lên cơn hen

Thể hen hàn

Triệu chứng: thở gấp, ngực tức, ho có đờm, lúc mới bị thường sợ lạnh, đầu đau, cơ thể đau nhức, không có mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Pháp điều trị: tán hàn, tuyên phế, định suyễn.
 

Cam thảo - một trong những vị thuốc chữa hen phế quản.
Cam thảo - một trong những vị thuốc chữa hen phế quản.



Bài thuốc 1: tam ao thang.

Thành phần: ma hoàng 8g, cam thảo 4g, hạnh nhân 8g, sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc 2: tô tử giáng khí thang.

Thành phần: tô tử 12g, tiền hồ 12g, hậu phác 12g, đương quy 12g, cam thảo  4g, bán hạ chế 12g, trần bì 10g, quế chi 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể hen nhiệt

Triệu chứng: thở gấp, mũi nghẹt, ho, đờm vàng, miệng khô, khát, khan tiếng, tắc tiếng, buồn bực, ra mồ hôi, nặng thì phát sốt, mặt đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt, tuyên phế, bình suyễn.

Bài thuốc 1: Ma hạnh thạch cam thang.

Thành phần: cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, ma hoàng 12g, thạch cao 40g. Thêm trần bì, bối mẫu, tiền hồ, cát cánh. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc 2: Định suyễn thang.

Thành phần: ma hoàng 6g, bán hạ chế 12g, hạnh nhân 8g, tô tử 8g, tang bạch bì 12g, khoản đông hoa 12g, hoàng cầm 8g, bạch quả 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Điều trị lúc không lên cơn hen

Thể phế hư

Triệu chứng: thở gấp (suyễn), hơi thở ngắn, mệt mỏi, ho nhẹ, ra mồ hôi, sợ gió, họng khan, rát, miệng khô, lưỡi đỏ nhạt, mạch Nhuyễn Nhược (Thượng Hải), mạch Hư Nhược.

Pháp điều trị: dưỡng phế, định suyễn.

Bài thuốc: Sinh mạch tán gia vị.

Thành phần: nhân sâm 12g, mạch môn 12g, ngũ vị 8g. Thêm tỳ bà diệp 8g, bối mẫu đều 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể tỳ hư

Triệu chứng: ho khó thở, đờm nhiều, sắc mặt vàng, người mệt mỏi, ăn kém, hay đầy bụng, đại tiện lỏng, lưỡi bệu, rêu trắng nhớt, mạch trầm tế vô lực.

Pháp điều trị: ích khí, kiện tỳ, trừ đàm, định suyễn.

Bài thuốc: Lục quân tử thang gia vị.

Thành phần: đảng sâm 12g, bạch truật 12g, bạch linh 10g, cam thảo 4g, trần bì 10g, bán hạ chế 12g, tô tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể thận hư

Triệu chứng: hô hấp yếu, khi cử động mạnh thì thở nhiều, cơ thể gầy ốm, ra mồ hôi, chân tay lạnh, sắc mặt xanh, có khi tay chân và mặt phù nhẹ, tiểu ít, hay mơ, hồi hộp, lưỡi nhạt, mạch trầm.

Pháp điều trị: bổ thận, nạp khí, trừ đàm, định suyễn.

Thiên về thận âm hư dùng bài thuốc: Mạch vị địa hoàng thang.

Thành phần: thục địa 16g, hoài sơn 12g, sơn thù 12g, đan bì 8g, bạch linh 8g, trạch tả 8g, mạch môn 12g, ngũ vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thiên về thận dương hư dùng bài thuốc: bát vị địa hoàng thang.

Thành phần: thục địa 16g, hoài sơn 12g, sơn thù 12g, đan bì 8g, bạch linh 8g, trạch tả 8g, nhục quế 4g, phụ tử chế 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngoài ra trong dân gian lưu truyền một số phương pháp dễ kiếm, rẻ tiền để điều trị chứng bệnh này:

Cam thảo 4g; bán hạ, tô tử, đương quy, tiền hồ, hậu phác, vỏ quýt (phơi khô) mỗi thứ 12g, gừng tươi 3 lát. Cho 5 bát nước đun còn 2 bát chia 2 lần uống.

Hạt tía tô 10g, bán hạ 10g, hạt củ cải 12g, hạt ý dĩ 10-12g. Sắc với 4 bát nước, còn lại 1 bát rưỡi, chia 2 lần uống.

Hạt củ cải  10g, vỏ quýt 10 g, lá táo 10 g, phục linh 10g. Sắc với 4 bát nước, còn lại 1 bát rưỡi, chia 2 lần uống.
 

Theo TS. BS CK II Dương Trọng Nghĩa/SKĐS

 


.