Thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

05:12, 02/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, HIV/AIDS không chỉ tập trung ở vùng đồng bằng, thành thị mà còn phát triển nhanh ở các huyện miền núi.

TIN LIÊN QUAN

Gia tăng người nhiễm HIV/AIDS

Trong vòng 5 năm trở lại đây, bệnh nhân HIV/AIDS có xu hướng tăng. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh phát hiện 40-50 trường hợp HIV, xuất hiện hầu hết ở 14 huyện, thành phố (tại 127 xã, phường). Tính đến nay, Quảng Ngãi đã phát hiện 630 ca nhiễm HIV, trong đó có 414 ca chuyển sang AIDS và 205 ca tử vong do AIDS. Đối tượng nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa, với hơn 70% tổng số người nhiễm HIV nằm trong độ tuổi 20-39 và tỷ lệ nhiễm HIV là nữ tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây.

Truyền thông trực tiếp nâng cao kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho đồng bào vùng cao Ba Vì (Ba Tơ).
Truyền thông trực tiếp nâng cao kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho đồng bào vùng cao Ba Vì (Ba Tơ).


Điều đáng nói là, người bệnh HIV thường được phát hiện muộn, nhiều trường hợp không biết mình mắc bệnh nên khó khăn trong công tác dự phòng trong cộng đồng. Qua công tác xét nghiệm sàng lọc người hiến máu tình nguyện hằng năm, số người nhiễm HIV được phát hiện chiếm 4,9%; khám nghĩa vụ quân sự chiếm 2,9% và trong nhóm phụ nữ mang thai chiếm 14,6%. Điều đó cho thấy, tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng đang diễn biến phức tạp, nguyên nhân lây truyền qua đường tình dục không an toàn và tiêm chích ma túy chiếm đa số.

Đáng lo ngại là, tại các huyện miền núi có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đi làm ăn xa, nhưng do nhận thức còn hạn chế, nên nhiều người lâm vào tình trạng nghiện ngập và hoạt động mại dâm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tại các huyện miền núi đang có chiều hướng tăng, chiếm 30% số bệnh nhân toàn tỉnh. Điển hình như tại huyện miền núi Ba Tơ, địa phương miền núi dẫn đầu về tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV, với 33 trường hợp. “Nhiều trường hợp đi làm ăn xa, bị lây nhiễm, người bệnh không hay biết nên về địa phương lây nhiễm cho chồng, hoặc vợ”, anh Nguyễn Duy Sinh- cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS huyện Ba Tơ cho biết.

Tăng cường truyền thông

Để nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng cao Ba Tơ về phòng chống HIV/AIDS, vừa qua, cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với huyện Ba Tơ truyền thông, tư vấn trực tiếp cho đồng bào tại xã Ba Vì. Đây là địa bàn có số người nhiễm HIV cao nhất huyện Ba Tơ, với 7 trường hợp mắc (2 trường hợp đã chết). Qua buổi truyền thông, đồng bào miền núi nơi đây hiểu được cách phòng, chống HIV cũng như hiểu hơn về cơ chế lây truyền, không kỳ thị với người bệnh. “Nếu trước đây, nhiều người chưa hiểu về căn bệnh, nên có thái độ kỳ thị nên không ít người bệnh khó hòa nhập cộng đồng, thì nay qua các hoạt động truyền thông trực tiếp, người dân đã phần nào nhận thức đúng đắn về căn bệnh, không xa lánh người bệnh”, chị Nguyễn Thị Hường - cán bộ chuyên trách HIV/AIDS xã Ba Vì cho biết.

Bác sĩ Võ Mẫn - Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Chúng tôi xác định công tác tuyên truyền, nhất là truyền thông trực tiếp có vai trò quan trọng. Đặc biệt, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao như những người nhiễm HIV, nghiện chích ma túy, vợ và bạn tình của những người nghiện chích ma túy nhiễm HIV, gái mại dâm… Ngoài ra, tiếp tục mở rộng điều trị cai nghiện bằng chất thay thế Methadone, tăng cường xét nghiệm, phát hiện nhiễm HIV, mở rộng điều trị ARV, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... nhằm hạn chế thấp nhất ca bệnh mới phát sinh trong cộng đồng.
      

Còn nhiều thách thức

Theo bác sĩ Võ Mẫn - Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thì hiện nay công tác phòng, chống HIV/AIDS đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức, nhất là kinh phí của nhiều chương trình bị cắt giảm, từ đó đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các hoạt động, khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.

Ngoài ra, cán bộ chuyên trách HIV tuyến huyện, xã thường thay đổi và thiếu kinh nghiệm là rào cản cho việc tiếp cận tư vấn đối tượng nguy cơ cao, quản lý chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cũng như ảnh hưởng đến việc mở rộng chương trình điều trị và can thiệp giảm tác hại ở cộng đồng dân cư....

 

Bài, ảnh: TRÍ PHONG


 


.