Khi máy siêu âm về xã

09:05, 28/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tăng cường đầu tư cho các địa phương trong tỉnh máy siêu âm phục vụ việc nâng cao chất lượng dân số, nhất là chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Nhờ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả của chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ tại cơ sở.  

TIN LIÊN QUAN

Mới 7 giờ sáng nhưng tại UBND xã Bình Hiệp (Bình Sơn) đã có hàng trăm phụ nữ xếp hàng lấy phiếu để khám phụ khoa. Mặc dù chị em phụ nữ bận nhiều công việc, nhưng ai nấy cũng đều tranh thủ đến sớm để được khám sức khỏe vì lần này ở xã có máy siêu âm. Chị Nguyễn Thị Ngọc (ở xóm 8, xã Bình Hiệp) phấn khởi nói: “Nghe trên loa truyền thanh tại xã mình có tổ chức làm dịch  vụ KHHGĐ, nên tôi chở con đi học xong là đến đây luôn. Đến lúc 7 giờ mà tôi lấy phiếu thứ tự đến số 49. Lần này được biết  có máy siêu âm nên chị em ai cũng tranh thủ đến khám”.

 Việc đầu tư máy siêu âm ở các xã đã thu hút đông đảo chị em đến khám SKSS/KHHGĐ.
Việc đầu tư máy siêu âm ở các xã đã thu hút đông đảo chị em đến khám SKSS/KHHGĐ.


Chị Châu Thị Kim Yến-chuyên trách dân số xã Bình Hiệp cho biết: “Nhận thức của phụ nữ trong diện tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã ngày càng được nâng lên. Những năm trước mỗi lần tổ chức chiến dịch truyền thông là đội ngũ cán bộ dân số xã rất vất vả, đi đến từng hộ gia đình để vận động, nhưng hôm nay thì khỏe hơn nhiều. Thậm chí có nhiều đối tượng tìm đến gặp cộng tác viên dân số hỏi thông tin là bao giờ làm dịch vụ KHHGĐ để họ đi thực hiện”.

Không riêng gì ở xã Bình Hiệp mà ở các xã thuộc huyện Đức Phổ, Mộ Đức, từ khi có máy siêu âm, số lượng người tham gia chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ đều đông hơn gấp nhiều lần so với trước. Đơn cử như ở xã Phổ Thuận (Đức Phổ), mỗi đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ trước đây có từ 80-100 người, nhưng năm nay tăng lên trên 300 người. Tại Trạm Y tế xã Đức Minh (Mộ Đức), đội ngũ cán bộ y tế mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn tất bật với công việc. Ông Bùi Chí-Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Mộ Đức cho hay, từ khi có máy siêu âm ở các xã, số lượng người thực hiện trong các đợt chiến dịch tăng lên gấp 2-3 lần so với những năm trước. Đây là một thuận lợi lớn đối với công tác DS-KHHGĐ ở địa phương.

Thực tế cho thấy những địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ có máy siêu âm đều diễn ra với sự tham gia của đông đảo chị em phụ nữ. Việc đầu tư máy siêu âm cho các xã được Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh triển khai từ năm 2013. Các địa phương đã và đang sử dụng có hiệu quả máy siêu âm trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số.  
     

Bài, ảnh: Trang Tuyết

 


.