Cần tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

03:05, 15/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở tỉnh ta hiện nay tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ngành y tế, năm 2015 nằm trong chu kỳ dịch SXH quay trở lại, nhất là vào thời điểm tháng 4 đến tháng 6. Do đó cần phải tăng cường công tác phòng, chống bệnh nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lan rộng.

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến thời điểm tuần đầu của tháng 5.2015, toàn tỉnh có gần 90 trường hợp mắc SXH (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ), không có ca tử vong. Các ca bệnh tập trung nhiều tại địa bàn các xã Tịnh Kỳ, Nghĩa Phú và phường Quảng Phú, Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi); xã Nghĩa Phương, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa)...

Bà Lê Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Quảng Ngãi cho biết: “Khi phát hiện ca bệnh, Đội y tế dự phòng tiến hành giám sát dịch tễ học, tìm nguồn phát sinh bệnh để xử lý bằng cách phun thuốc diệt muỗi, kiểm tra kỹ lưỡng môi trường sống và sinh hoạt. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn người dân ở các địa phương cách thức diệt bọ gậy, lăng quăng để phòng tránh bệnh”.

Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, hạn chế nguy cơ lan ra diện rộng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường công tác giám sát dịch tễ, bệnh nhân, huyết thanh, véc tơ truyền bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Phải đảm bảo 100% số ca mắc SXH được giám sát và báo cáo theo quy định. Đồng thời xác định các vùng có yếu tố nguy cơ cao, các điểm hay xảy ra dịch trước đây, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, xử lý triệt để ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

 Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động giám sát, xử lý dịch SXH tại các địa phương có nhiều ca bệnh SXH. Ông Hồ Minh Nên-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tỏ ra lo ngại khi phần lớn các hộ dân trên địa bàn có nhiều người mắc SXH không tự giác và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. “Các hộ dân chưa tích cực trong việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, đa phần chỉ trông chờ vào việc phun hóa chất. Trong khi đó, phun hóa chất chỉ có tác dụng tốt nhất khi kết hợp với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vì vậy đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phòng, chống dịch bệnh”, ông Nên cho hay.  Ông Nên cho biết thêm, đối với các địa phương có nhiều số ca mắc SXH cao, hằng tháng trung tâm đều cử cán bộ  xuống giám sát mật độ muỗi, giám sát mật độ lăng quăng để có biện pháp xử lý kịp thời và giám sát chặt ca bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hiện đang dự trữ khoảng hơn 900 lít hóa chất để chủ động phun hóa chất tại các địa bàn trọng điểm.

Theo bác sĩ Đặng Thị Hiền (Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh), SXH là bệnh do siêu vi, hiện chưa có thuốc đặc trị. Bệnh SXH có diễn biến lâm sàng với triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Mức độ bệnh tiến triển từ SXH thông thường sang nặng rất khó lường trước. Do vậy, cả cộng đồng phối hợp thực hiện công tác giám sát, phòng-chống bệnh một cách chặt chẽ là hết sức cần thiết, giúp người dân tự bảo vệ mình ở những thời điểm dễ bùng phát dịch.

Trước dự báo về diễn biến khó lường của dịch SXH, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương và người dân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Ngành y tế khuyến cáo: Người dân cần phải ngủ màn, sử dụng hóa chất diệt muỗi nếu có; tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình; vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước thừa như vỏ lon, lốp xe… để muỗi không còn chỗ đẻ trứng. Ngoài ra, nếu phát hiện mình và người thân trong gia đình có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, dùng thuốc hạ nhiệt nhưng không hạ, đau đầu, đau hố mắt, đau cơ, xuất hiện các chấm xuất huyết… thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

 

KN
 


.