Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe

09:05, 22/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc từ bỏ thuốc lá là từ bỏ một thói quen, nên không mấy dễ dàng.  Song, nói như thế không có nghĩa không bỏ được, mỗi chúng ta cần có quyết tâm cao và một kế hoạch duy trì việc bỏ thuốc lá là có thể đi đến thành công.

Anh Nguyễn Tấn Tài, 40 tuổi, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) có thâm niên hút thuốc lá gần 20 năm. Thế nhưng, để bảo vệ sức khoẻ, anh đã quyết định bỏ thuốc lá và đã thành công được một năm nay. Anh Tài, kể: “Cách đây hơn một năm, tôi  ho rất nhiều, đi khám bác sĩ nói bị suy phổi nặng, nếu không dừng hút thuốc có khả năng dẫn đến ung thư phổi. Nghe vậy, tôi quyết định bỏ thuốc, nhưng mới đầu việc bỏ thuốc thật khó khăn, luôn có cảm giác trống trải sau mỗi bữa ăn, hay khi gặp bạn bè, nhưng nhờ  sự động viên của gia đình, tôi giảm dần số lượng thuốc hút mỗi ngày và hơn một năm nay tôi không hút nữa, không còn bị ho, người khoẻ và tăng cân nữa”.

Còn anh Lê Hữu Phúc (35 tuổi), xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), thì cho biết, anh hút thuốc lá được 12 năm, từ khi còn là sinh viên. Khi lập gia đình, vợ anh khuyên bỏ thuốc nhưng anh vẫn không bỏ được. Nhưng kể từ khi có đứa con đầu lòng, anh cảm thấy bất tiện mỗi khi vừa ôm con vừa hút thuốc nên tôi quyết định bỏ.  

Với anh Trần Thanh Trung, 33 tuổi, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thì quyết tâm bỏ thuốc lá vì không chịu được sự “chỉ trích” của những người xung quanh. Trước đây, anh Trung hút thuốc lá mọi lúc, mọi nơi, từ cơ quan, đến quán café, ở nhà, ngồi rảnh là hút…Nhưng sau đó anh bị mọi người ý kiến nhiều quá, nhất là các chị em ở cơ quan nên anh đi đến quyết định bỏ hẳn thuốc lá. “Lúc đầu cũng có cảm giác khó chịu nhưng dần dần cũng quen”, anh Trung, nói.

 Trong thực tế, người hút thuốc lá mang bệnh đã đành, còn những người không hút thuốc lá mà phải mang bệnh và chết cùng với người hút thuốc lá là điều rất đáng tiếc. Mỗi ngày, trên thế giới có hàng chục triệu người không hút thuốc phải chết oan vì những bệnh do thuốc lá mang lại. Thế nhưng, tình trạng phải sống chung với khói thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra. Bỏ thuốc lá không phải dễ, duy trì việc bỏ thuốc lại khó hơn. Thời gian đầu khi mới bỏ thuốc thường gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong thực tế nếu quyết tâm bỏ thì mỗi người sẽ tìm ra cho mình một cách để thực hiện.
                    

Kim Liên
 

Điều 11 và Điều 12 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định:

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm: ô tô, tàu bay, tàu điện.
 Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy...

Khánh Huyền
(Lược trích Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá)

 

 


.