Hết lòng vì bệnh nhân HIV

09:01, 30/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với trách nhiệm và tấm lòng nhân ái, y sĩ Võ Duy Sinh (SN 1985), chuyên trách công tác HIV/AIDS, Đội Vệ sinh phòng dịch thuộc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã thắp sáng niềm hy vọng và nghị lực sống trong bệnh nhân HIV.

TIN LIÊN QUAN

Gặp y sĩ Võ Duy Sinh ở nhà chị K, một bệnh nhân bị nhiễm HIV ở thôn Nước Xiên (xã Ba Vì, Ba Tơ) và nghe anh tư vấn, hướng dẫn tỉ mỉ cho bệnh nhân cách dùng thuốc và chăm sóc sức khỏe, tôi không khỏi xúc động. “Phải cố gắng uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Bây giờ mùa lạnh phải giữ ấm cơ thể, nếu không sức đề kháng yếu dễ bệnh lắm”, y sĩ Sinh căn dặn. Chị K. gật đầu và ngân ngấn giọt lệ đắng cay nơi khóe mắt. Chị K. tâm sự: “Nếu không có anh Sinh, mình chắc chết rồi. Lúc đầu bị bệnh, mình chỉ muốn chết, may có anh thường xuyên động viên. Anh đã giúp mình điều trị và vượt qua mặc cảm để tiếp tục sống và vươn lên”.

Anh Sinh hướng dẫn bệnh nhân HIV cách dùng thuốc.
Anh Sinh hướng dẫn bệnh nhân HIV cách dùng thuốc.


Cách đây 3 năm, khi biết mình bị bệnh, chị K. suy sụp hoàn toàn, trong đầu chị luôn nghĩ đến cái chết. Anh Sinh đã thường xuyên đến nhà động viên chị K. Không những thế, anh tích cực giải thích cho người nhà bệnh nhân và người dân xung quanh hiểu về căn bệnh HIV và đường lây truyền để họ không xa lánh, kỳ thị bệnh nhân. Chị Phạm Thị G (em gái chị K) chia sẻ: “Lúc đầu mình sợ lắm, không dám ăn cùng, ở cùng chị. Mình cũng không cho con mình đến gần. Nhưng được y sĩ Sinh hướng dẫn, giải thích giờ mình có gì chị mình ăn nấy, lúc chị đau ốm, mình qua ở cùng để giúp đỡ chị”. Người trong làng cũng đã không còn kỳ thị chị K như trước đây, họ cũng hay giúp đỡ chị K trong cuộc sống.  Có được kết quả như vậy, phải kể đến công rất lớn của y sĩ Sinh.

Công việc tuy vất vả, nhưng y sĩ Sinh luôn nở nụ cười trên khuôn mặt. 7 năm qua, với vai trò cán bộ chuyên trách anh đã gặp gỡ, chia sẻ với nhiều bệnh nhân HIV, giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng ở họ đều có chung nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều người đã muốn tìm đến cái chết để quên đi nỗi đau vô bờ.  Hiểu được điều đó, anh rất cảm thông, gần gũi, chia sẻ với người bệnh. Ngay từ khi đảm nhận công tác, anh đã chịu khó tìm hiểu các văn bản về phòng, chống HIV/AIDS, chủ động nâng cao kiến thức để khi tiếp cận đối tượng có HIV sẽ thuận lợi hơn. Theo anh, để làm tốt công tác trước hết phải am hiểu văn hóa của đồng bào, gặp gỡ người dân thường xuyên để giải thích cho họ hiểu và biết cách phòng tránh bệnh…

Đến nay trên địa bàn huyện Ba Tơ có 18 bệnh nhân HIV còn sống. Chính những cán bộ tận tụy như y sĩ Sinh đã giúp người nhiễm HIV tự tin, mạnh dạn hòa nhập cộng đồng, công khai bệnh tật, góp phần hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Đối với y sĩ Sinh, kỷ niệm buồn, vui với những bệnh nhân thì rất nhiều. Nhiều lúc anh bị xua đuổi, tránh mặt, thậm chí bị người bệnh “bất cần đời” la hét. Nhưng nghĩ đến nỗi khổ của người bệnh, mỗi ngày anh luôn dặn lòng tiếp tục cố gắng để làm người bạn chia sẻ với  bệnh nhân và là tuyên truyền viên tích cực của cộng đồng. Không những làm tốt vai trò của cán bộ chuyên trách HIV/AIDS, y sĩ Sinh còn là một cán bộ Đội vệ sinh phòng dịch năng nổ, thường xuyên có mặt ở vùng dịch bệnh để thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ người dân.  

Với những nỗ lực của mình, năm 2013 y sĩ Sinh được Bộ Y tế tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng và là 1 trong 10 gương mặt thầy thuốc tiêu biểu toàn quốc. Chia tay anh, tôi thấy lòng ấm áp khi nghe anh nói: “Người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS phải thực sự hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng, phải biết yêu thương và chia sẻ với bệnh nhân, mà có lẽ trên hết là cái tâm với nghề”.        

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.