Thời tiết trở lạnh, nhiều trẻ em nhập viện

02:12, 17/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những ngày qua, do thời tiết trở lạnh nên số lượng trẻ em nhập viện tăng cao, nhất là các bệnh về đường hô hấp.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều trẻ bị viêm phổi

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có khá đông bệnh nhi nhập viện. Có nhiều trẻ em bị viêm phổi khá nặng. Cháu Nguyễn Ngọc Hân (14 tháng tuổi, ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) bị viêm phổi và tiêu chảy, khó thở nên đang được cho thở máy trợ sức. Chị Nguyễn Thị Minh Châu (mẹ cháu Hân) cho biết: “Mấy ngày trước cháu bị ho, sổ mũi, nghĩ con bị cảm thường nên tôi tự mua thuốc điều trị. Ai ngờ bệnh cháu trở nặng, khó thở. May mà được các bác sĩ cấp cứu kịp thời”.

Còn chị Phạm Thị Lang (ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) thì lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con gái Phạm Thị Nương. Cháu Nương mới 2 tháng tuổi đã bị viêm phổi nặng, đang hôn mê trên giường bệnh. “Con bị bệnh, mình lo lắm. Bác sĩ nói cháu bị nhiễm lạnh nên viêm phổi”, chị Lang nói.  

 

Trẻ em đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trẻ em đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) hiện có 135 trẻ đang điều trị nội trú. Trong đó có trên 60% trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Theo các bác sĩ, nhiều trẻ đến bệnh viện khám và cho về điều trị ngoại trú. Tại các phòng khám tư nhân cũng có rất đông trẻ đến khám bệnh, trong đó chủ yếu là mắc các bệnh về đường hô hấp. Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ-Trưởng Khoa Nhi cho biết: “Nhiều trường hợp trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi, hen suyển khá nặng, chúng tôi phải điều trị tích cực, cho thở khí dung”.

Thời tiết lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi cho virus gây viêm nhiễm đường tai-mũi-họng phát triển. Sức đề kháng của trẻ yếu dễ dẫn tới mắc các bệnh về đường hô hấp. Bác sĩ Phụ cho biết thêm: “Viêm đường hô hấp trên hay viêm phế quản nếu không theo dõi và điều trị ngay thì có nguy cơ sẽ chuyển sang viêm phổi.  Triệu chứng chuyển từ viêm phế quản sang viêm phổi là thở nhanh, ho và có sốt hoặc nhiều triệu chứng khác như bỏ bú, nôn ói…”.

Cảnh giác với bệnh tay chân miệng

Ngoài gia tăng bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang theo dõi, điều trị cho 33 bệnh nhân nhi nội trú tại khu cách ly vì mắc bệnh TCM.  

Theo bác sĩ Phụ, các ca bệnh TCM đang điều trị tại bệnh viện đều ở độ 2. Trẻ em bị TCM ở độ 1, thể bệnh nhẹ nên có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ biểu hiện một trong các triệu chứng như: Sốt cao trên 39 độ, giật mình khi ngủ, nôn mửa, khó thở, co giật thì phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh TCM lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, cách phòng ngừa bệnh chủ yếu là giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe cho trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Bác sĩ Phạm Ngọc Lân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Dự lường các yếu tố bất lợi của thời tiết, có khả năng số bệnh nhân, nhất là trẻ em sẽ tăng cao, bệnh viện chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, đồng thời mở rộng khu cách ly bệnh nhân TCM thêm 50 giường. Hiện tại Khoa Nhi có 4/5 máy thở hỗ trợ điều trị cho trẻ em bị bệnh nặng, khó thở. Tuy nhiên, nếu trẻ nhập viện với số lượng lớn thì số máy này không đủ để sử dụng.

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết lạnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và giữ ấm cho trẻ. Không nên mặc quá nhiều áo ấm cho trẻ, khiến trẻ chảy mồ hôi gây nhiễm lạnh trở lại, làm cho trẻ nhiễm bệnh nặng thêm.

 

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.