Nhân Ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS 1.12:
Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

02:12, 01/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Sống trong sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng, gia đình và chính bản thân, người nhiễm HIV/AIDS sẽ không còn lối thoát và nghị lực vươn lên để chiến đấu với bệnh tật. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho những người nhiễm HIV/AIDS tử vong sớm.
Chị Nguyễn Thị T. ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ đã sống chung với vi rút HIV hơn 8 năm nay. Với chị, nỗi đau do căn bệnh thế kỷ mang đến đã từng cướp hết hy vọng sống và ước mơ trong cuộc đời. Năm 2006, chồng chị đi làm ăn xa và vô tình mang mầm mống HIV về gia đình mà không hề hay biết. Đến khi chị mang bầu đứa con gái đầu lòng mới được phát hiện mình có bệnh. Sinh con ra được một thời gian ngắn, cả người chồng và con đều lần lượt bỏ chị vì căn bệnh HIV.
 
Sống đến ngày hôm nay, với chị T. đó là cả một quá trình chiến đấu không ngừng nghỉ. “Ngày đầu khi mới biết mình có bệnh, làng xóm ai cũng dò xét, không dám đến gần. Ngay cả ba mẹ ruột còn có những hành động, thái độ kỳ thị, sợ sệt mình. Người ngoài đã đành vậy, nhưng người nhà cũng xa lánh thì cảm giác như cuộc đời này không còn gì đáng sống nữa”- chị T tâm sự.

 

Chị T. vượt lên sự kỳ thị, tích cực điều trị và tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân
Chị T. vượt lên sự kỳ thị, tích cực điều trị và tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân

 

Nhưng rồi, với sự động viên của cán bộ y tế địa phương, chị T đã vượt qua được sự kỳ thị của chính bản thân mình với căn bệnh HIV. Qua 8 năm sống chung với bệnh, chị vẫn khỏe mạnh vì giữ được tinh thần lạc quan và tuân thủ uống thuốc điều trị theo phác đồ mỗi ngày. Bản thân chị T. còn mở quán kinh doanh nhỏ và kiếm thu nhập tự trang trải cuộc sống cho mình. Không chỉ vậy, chị T. còn tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền phòng, chống HIV tại địa phương. Sức lan tỏa về ý chí kiên cường của một người nhiễm HIV như chị đã khiến cho bà con vùng núi Ba Tơ hiểu hơn về bệnh, mà không còn thái độ kỳ thị, xa lánh.
 
Cũng như chị T., chị Phạm Thị Đ. ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ cũng đã từng mặc cảm với chính mình khi nghe tin bị nhiễm HIV từ chồng. Thời gian đầu chị suy sụp bao nhiêu, thì hiện tại chị đã sống lạc quan bấy nhiêu. “Lúc đầu mình không dám đi đâu, cứ ở lỳ trong nhà. Mình sợ mọi người nhìn thấy mình, sẽ dè bỉu mình. Lúc đó, mình lại càng thấy cơ thể yếu đi. Nhưng được cán bộ y tế tận tình giúp đỡ, nên giờ mình uống thuốc điều trị điều độ, cơ thể cũng khỏe hơn rất nhiều”- chị Đ. tâm sự.
 
Cũng vì không còn sự mặc cảm với bản thân, chị Đ. được bà con địa phương đón nhận, không kỳ thị. Chị Đ cho biết thêm: “Giờ bà con cũng xem mình như bình thường, cũng hay lui tới nhà chơi và lên rẫy lao động cùng nhau”. Hơn nữa, do dự phòng y tế kỹ lưỡng, nên đứa con trai thứ hai của chị Đ. và chồng vừa mới chào đời không hề bị lây nhiễm HIV.
 
Hai trường hợp nhiễm HIV nhưng vẫn sống khỏe mạnh như chị T. và Đ. đã cho thấy sự tích cực của việc không bị kỳ thị, xa lánh bởi cộng đồng. Thế nhưng, không ít trường hợp vì lo sợ bị kỳ thị và tự kỳ thị với bản thân mà nhiều bệnh nhân HIV đã phải tử vong sớm trong sự tuyệt vọng cùng cực.

 

Chị T. vượt lên sự kỳ thị, tích cực điều trị và tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân
Chị T. vượt lên sự kỳ thị, tích cực điều trị và tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS cho người dân

 

Kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm. Người nhiễm HIV không điều trị hoặc điều trị muộn khi hệ miễn dịch suy giảm mạnh sẽ là nguồn lây hết sức nguy hiểm, thậm chí là HIV đã kháng thuốc. Kỳ thị và phân biệt đối xử còn là rào cản to lớn đối với việc hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người không nhiễm HIV.
 
Bác sĩ Lê Thị Thu Thủy- Phó Phòng chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS cho biết: Điều quan trọng trong chiến đấu với vi rút HIV là phải kiên nhẫn, dùng thuốc điều trị cả đời, đúng liều lượng và thời gian quy định. Tuy nhiên, chính tâm lý suy sụp, mặc cảm của người bệnh đã khiến họ không còn quyết tâm tuân thủ uống thuốc điều trị. Cũng chính vì vậy mà bệnh nhân nhiễm HIV sẽ tử vong rất nhanh.
 
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 570 người nhiễm HIV, trong đó có 336 người đã chuyển sang AIDS và 194 người đã tử vong vì căn bệnh này. Để giải quyết tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, ngành chức năng đã phải tập trung giải thích cho người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV. Nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như bắt tay, nói chuyện, ăn chung, sinh hoạt thông thường trong gia đình và xã hội hàng ngày.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.