Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây: Xây tiền tỷ, khó vẫn hoàn khó

02:11, 20/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây vừa được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên hiện vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Cần tháo gỡ bài toán nhân lực

Ông Đinh Hồng Nhía-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây cho biết, năm 2013 từ sự hỗ trợ của dự án vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trung tâm  được đầu tư xây mới với tổng kinh phí 17 tỷ đồng. Đây là sự quan tâm rất lớn từ các cấp, ngành đối với huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn Tây. Từ ngày có cơ sở mới khang trang, công tác khám chữa bệnh (KCB) cho đồng bào thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cái khó vẫn chưa được giải quyết là thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa, có kinh nghiệm. Trung tâm hiện chỉ có 6 bác sĩ, nhưng phải đảm trách KCB cho gần 1.800 dân. “Trung tâm hiện đang rất thiếu bác sĩ chuyên khoa giỏi, có kinh nghiệm. Hầu hết các bác sĩ có chuyên môn cao không mấy người “trụ” với huyện vùng cao này”, bác sĩ Nhía thở dài.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây siêu âm chẩn đoán bệnh.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây siêu âm chẩn đoán bệnh.


Do thiếu bác sĩ nên công tác ngoại khoa hầu như chưa thể thực hiện ở tuyến y tế huyện Sơn Tây. Trung tâm hiện không có kỹ thuật viên gây mê và bác sĩ chuyên khoa ngoại nên hầu hết bệnh nhân nhập viện, cần mổ cấp cứu sau khi được chỉ định siêu âm, chụp X quang chẩn đoán hình ảnh đều phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh. Trung tâm “bó tay” trước những ca phẫu thuật đơn giản vì thiếu bác sĩ chuyên khoa như: Mổ các khối u lành, nối gân, nặng hơn là mổ ruột thừa, mổ đẻ... “Chúng tôi chỉ thực hiện những phẫu thuật đơn giản như khâu vết thương, tiểu phẫu là chính. Các ca cấp cứu cần phẫu thuật chuyển tuyến cũng gặp khó khăn về địa hình nên nhiều lúc ảnh hưởng đến công tác điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng (Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây), cho hay.

 Cũng vì thiếu hụt nguồn nhân lực mà tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, dù đã được đầu tư mua sắm nhiều máy móc hiện đại nhưng việc sử dụng còn rất hạn chế. Điển hình như trung tâm được trang bị máy sốc tim vào năm 2013 để cấp cứu bệnh nhân khi ngưng thở, nhưng chỉ để “đắp chiếu” vì chưa có bác sĩ sử dụng.

Cơ sở vật chất thiếu đồng bộ

Bên cạnh khó khăn trong công tác KCB, điều khiến cho các bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây “đau đầu” nữa là không có nơi để xử lý rác thải y tế. Dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới trụ sở nhưng đến nay dù đã hai năm, cơ sở y tế này vẫn chưa được trang bị lò đốt rác thải y tế. “Mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 50 lượt bệnh nhân. Lượng rác thải khá nhiều. Mỗi năm, lượng rác thải y tế các loại của đơn vị khoảng 18 tấn rác đều được xử lý bằng cách chôn lấp và đốt thủ công, điều này gây ô nhiểm môi trường nghiêm trọng”, bác sĩ Nhía trăn trở.

Rác thải y tế nếu không được xử lý theo công nghệ đốt hiện đại, nguy cơ lây lan mầm bệnh sẽ rất cao. Việc xử lý rác thải nguy hại bằng cách đốt thủ công ngoài trời của Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân sống ở khu vực xung quanh. Ngoài ra, hệ thống tường rào cổng ngõ, cống thoát nước tại đơn vị cũng chưa được xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Thìn-Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, mới đây UBND huyện và Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây đã có buổi làm việc với Sở Y tế-đại diện chủ đầu tư dự án. “Sở Y tế cho biết sẽ sớm bố trí kinh phí hoàn thiện đường bê tông vào trung tâm để thuận tiện cho bệnh nhân đi lại. Riêng về lò đốt rác, Sở Y tế sẽ có kế hoạch xin UBND tỉnh chuyển lò đốt của Bệnh viện đa khoa tỉnh không sử dụng để bố trí cho trung tâm”, ông Thìn nói.
         

Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 


.