Cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm chay

02:11, 05/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vì nhiều lý do khác nhau như tín ngưỡng, thị hiếu, ăn kiêng.. mà ngày càng có nhiều người sử dụng thực phẩm chay. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng vì nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm chay vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.  

TIN LIÊN QUAN

Khảo sát tại một số chợ và siêu thị trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy  thực phẩm chay được bày bán khá đa dạng và phong phú, từ hàng khô, sản phẩm đông lạnh đến các mặt hàng chế biến sẵn, ăn liền...  Tuy nhiên, có một số sản phẩm chưa qua chế biến như mì căn, tàu hũ… đựng trong bao nilon không nhãn mác. Phần lớn sản phẩm không có lưu trữ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm được bày bán thuộc diện "3 không": Không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và không ghi rõ nguồn gốc sản xuất. Nhiều mặt hàng như rong biển, cá, thịt chay là sản phẩm nhập khẩu nhưng không có địa chỉ, tên cơ sở nhập khẩu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

 

Nhiều thực phẩm chay tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.                                                            Ảnh: Internet
Nhiều thực phẩm chay tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Internet


Để chế biến sản phẩm chay có mùi vị hấp dẫn, màu sắc bắt mắt, nhiều chủ cơ sở sản xuất sử dụng một số hóa chất như: Bột tạo màu, chống mốc, chất tạo mùi vị giống như thật. Người tiêu dùng và cả người bán các sản phẩm này rất mơ hồ, không biết rõ về độ an toàn của các chất phụ gia này.  

Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cùng Trung tâm Y tế dự phòng TP.Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm tra 11 cơ sở chế biến đồ ăn chay và 5 cơ sở buôn bán nguyên liệu chay cho người ăn kiêng trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở không có giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Hầu hết các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh để chế biến thực phẩm. Rau ăn sống để dưới sàn nhà, thậm chí để gần nhà vệ sinh. Nhân viên chế biến ở các quán ăn dùng tay trần trộn bún, rau… Ngoài ra, điều kiện bảo quản thực phẩm cũng không đảm bảo an toàn. Nhân viên phục vụ chế biến trong quán ăn cũng không được khám sức khỏe định kỳ, không được học kiến thức ATVSTP.

Điều đáng lo ngại hơn cả là kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 3 mẫu dương tính với hàn the (đặc biệt loại đồ ăn phù trúc); 4/10 mẫu nhiễm vi sinh (trong đó có 2 mẫu nhiễm độc tố tụ cầu vàng).  Hai quán ăn chay có mẫu nhiễm tụ cầu vàng lại là  quán ăn thường xuyên có rất đông thực khách.

Bác sĩ Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Qua công tác kiểm tra, hầu hết cơ sở kinh doanh thực phẩm chay đều không chứng minh rõ ràng nguồn thực phẩm. Điều đáng quan tâm là phát hiện loại độc tố tụ cầu vàng nằm ở các món trộn, bóp chua… mà người chế biến trực tiếp dùng tay trần khi chế biến. Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện loại độc tố này. Độc tố tụ cầu vàng có khả năng gây bệnh đường ruột, có nguy cơ tử vong cao cho người tiêu dùng”.

Chi cục ATVSTP tỉnh đã xử phạt 7 cơ sở vi phạm. Tuy nhiên số tiền phạt chỉ ở mức 300-500 nghìn đồng theo khung phạt đối với loại hình thức ăn đường phố. Theo ông Oai, ngoài các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay vừa mới kiểm tra thì có rất nhiều quán ăn chay hoạt động vào ngày rằm, mùng 1. Việc quản lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay vẫn chưa được chính quyền các cấp quan tâm đẩy mạnh.   
             

   KN
 


.