Vì sao bé chậm mọc răng?

08:09, 23/09/2014
.

Mọc răng là một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển thể chất của trẻ. Thông thường, trẻ bắt đầu mọc răng từ tháng thứ 7, tuy nhiên cũng có trẻ chậm mọc răng vì những lý do sau đây.

Khi phần lợi bên dưới đã trở nên mạnh mẽ hơn, những chiếc răng sữa bé xinh sẽ nhú dần lên. Quá trình mọc răng sữa thông thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng và luôn đi kèm với những triệu chứng điển hình như bé không thích những thực phẩm quá cứng, hay dùng tay ngoáy tai, cáu bẳn, ngậm đồ vật và khó ngủ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Tuy nhiên, nếu con bạn rơi vào trường hợp mọc răng quá chậm so với các bé cùng lứa tuổi, hãy tìm hiểu chính xác nguyên nhân và đưa bé đi kiểm tra kịp thời. Sau đây là một số lý do phổ biến lý giải cho nguyên nhân chậm mọc răng của trẻ.

1. Di truyền

Một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ chậm mọc răng so với độ tuổi là do gien di truyền. Trẻ sẽ thừa hưởng những đặc điểm về hình dáng lẫn cấu trúc bên trong cơ thể từ bố mẹ. Do đó, hãy tìm hiểu đặc điểm mọc răng của bạn lúc nhỏ từ người thân để ước lượng chính xác khoảng thời gian mà con bạn sẽ nhú những chiếc răng đầu tiên. Về cơ bản, nếu rơi vào trường hợp này, bạn không cần quá lo lắng. Việc duy nhất nên làm đó là chờ đợi cho đến khi bé bắt đầu mọc răng.

2. Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn

Thiếu dinh dưỡng được xem là lý do phổ biến nhất của tình trạng trẻ chậm mọc răng. Ở mỗi giai đoạn hay mốc phát triển nhất định, trẻ cần phải được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để đạt được mức tăng trưởng lý tưởng nhất về thể chất. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích tại sao các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Vì nguồn dưỡng chất dồi dào trong sữa mẹ sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ.

Khi bé bắt đầu ăn dặm, bạn cần đảm bảo khẩu phần có đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu gồm tinh bột, chất đạm, rau củ và chất béo. Thiếu vitamin D và can-xi cũng có thể làm bé chậm mọc răng hơn bình thường.

3. Tình trạng suy giảm hoạt động của tuyến giáp

Hoạt động yếu kém của tuyến giáp dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp hóc-môn tuyến giáp, gây ra nhiều rắc rối cho sức khỏe, trong đó có cả việc bé chậm mọc răng. Ngoài ra, tình trạng này còn khiến trẻ chậm biết đi, chậm nói và béo phì. Đây là trường hợp mà bạn cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được can thiệp kịp thời, phòng tránh những biến chứng nặng nề hơn.

4. Thiếu hụt vitamin D

Vitamin D có chức năng hỗ trợ cơ thể hấp thu can-xi, rất cần thiết cho quá trình tạo xương và mọc răng của bé. Chính vì vậy, sự thiếu hụt vitamin D có thể là lý do làm trẻ chậm mọc răng. Những trẻ sinh non tháng cũng thường bị thiếu vitamin D một cách tự nhiên.

Nguồn cung cấp vitamin D dồi dào nhất chính là ánh nắng. Do đó, bạn nên cho trẻ phơi nắng mỗi ngày hoặc đi dạo ngoài trời vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, khi có nắng nhẹ.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Mặc dù tình trạng chậm mọc răng thường không quá nghiêm trọng nhưng nếu đã được 13 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa mọc răng, bạn nên đưa bé đến bệnh viện nhi để kiểm tra. Trong phần lớn các trường hợp, bạn chỉ cần kiên nhẫn với con hơn một chút vì có thể, bé sẽ phát triển theo cách của riêng mình và chắc chắn, răng sẽ mọc dù có hơi chậm một ít.
 

Theo HỒNG XUÂN/PNO

 


.