Phòng lây viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con

04:08, 20/08/2014
.

 


Viêm gan siêu vi B mạn tính có khoảng 20% ở dạng hoạt động, có khả năng diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan.


Viêm gan siêu vi B mạn tính có khoảng 20% ở dạng hoạt động, có khả năng diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan. Nếu người mẹ bị viêm gan B còn có thể gây ảnh hưởng đến thai như nguy cơ sinh non dưới 34 tuần, chuyển dạ sớm có biến chứng, xuất huyết trước sinh, đái tháo đường thai kỳ, bé sinh ra bị suy hô hấp... Vậy để không lây nhiễm sang con, thai phụ cần làm gì?

Con đường lây nhiễm

Ở vùng lưu hành cao, lây nhiễm chủ yếu theo con đường từ mẹ sang con. Khi mẹ nhiễm HBV thì có thể truyền cho con vào giai đoạn trước khi sinh, trong lúc sinh và ngay cả sau sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận vào lúc chuyển dạ và lúc sinh. Trẻ nhiễm HBV càng nhỏ, tỷ lệ diễn biến mạn tính càng cao. HBV được lây nhiễm chủ yếu qua máu và các loại dịch tiết của cơ thể. Nồng độ siêu vi cao nhất trong máu; ở mức độ trung bình trong tinh dịch, dịch âm đạo, nước bọt; thấp nhất trong nước tiểu, phân và sữa mẹ.

Dự phòng như thế nào?

Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bé từ mẹ thì sau khi sinh bé cần được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12 - 24 giờ đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.

 Tiêm vaccin viêm gan B để phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh: T.M
Tiêm vaccin viêm gan B để phòng bệnh cho trẻ em. Ảnh: T.M


Với mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính (cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B) và HBeAg âm tính (siêu vi B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở) thì ngay sau sinh, bé được tiêm một liều HBIG (Hepatitis B Immune Globulin) và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường. HBIG không phải là chủng ngừa mà là chủng dự phòng cho bé có kháng thể ngay để đề kháng với viêm gan B nếu mẹ bé mang virut viêm gan B. Vaccin được tiêm nhắc lại vào thời điểm tháng thứ hai và tháng thứ tư sau sinh.

Nếu mẹ có cả HBsAg dương tính và HBeAg dương tính thì bé sẽ được tiêm hai liều HBIG và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường. Các mũi vaccin tiếp theo sẽ tiêm ở tháng thứ hai và tháng thứ tư. Vaccin này tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia cho tất cả trẻ em sau sinh.

Khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh thì tỷ lệ lây nhiễm HBV theo đường dọc (từ mẹ con) giảm từ 90% xuống còn khoảng 1,1 - 15%. Tỷ lệ này có khoảng thay đổi khá rộng liên quan rất nhiều đến sự tuân thủ của bệnh nhân vào chương trình theo dõi sau tiêm phòng hay không.

Hiệu quả phòng ngừa

Ngay sau khi sinh em bé được tiêm HBIG miễn dịch kháng viêm gan B thì có hiệu quả tức thì và kéo dài khoảng từ 3 - 6 tháng. Đối với bà mẹ mang HbsAg (+) và HBeAg (+), HBIG được bổ sung vào chương trình tiêm chủng viêm gan B, giảm được tỷ lệ lây nhiễm nhiều hơn tiêm vaccin phòng. Tuy nhiên, mặc dù trẻ được chủng ngừa thụ động - chủ động nhưng cũng không thể ngăn chặn tất cả trường hợp lây nhiễm HBV từ mẹ nếu trong khi mang thai, nồng độ virut trong máu mẹ tăng cao hơn 10 triệu phiên bản/ml máu. Vì thế, hiện nay đối với thai phụ nhiễm HBV nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ virut tăng cao thì sẽ được điều trị thuốc chống siêu vi, nhờ vậy sẽ giảm tỷ lệ lây HBV cho thai nhi. Điều trị nên bắt đầu vào 3 tháng cuối của thai kỳ, tốt nhất vào khoảng 6 - 8 tuần trước sinh (thời điểm thích hợp để giảm nồng độ siêu vi trong máu mẹ) và nên tiếp tục kéo dài thêm khoảng 4 tuần sau sinh. Người mẹ nên được theo dõi thường xuyên xem bệnh có phát triển sau khi ngưng thuốc hay không. Mổ sinh chưa được chứng minh một cách chắc chắn là làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HBV trước, trong và sau sinh, vì vậy không nên thực hiện mổ sinh với lý do người mẹ nhiễm HBV.

Lời khuyên của thầy thuốc

Theo dõi sau sinh: Trẻ sơ sinh, con của bà mẹ HBsAg (+), HBeAg (+) có nhiều nguy cơ bị nhiễm HBV mạn tính, tỷ lệ này thay đổi từ 70 - 90% sau sinh 6 tháng nếu như không được dự phòng bằng HBIG và vaccin. Trẻ sơ sinh con của bà mẹ HBsAg (+) nên được tiêm phòng sớm trong vòng 12 giờ sau sinh bằng HBIG và vaccin. Các liều thuốc chủng tiếp theo cần được thực hiện đúng lịch. Theo dõi và kiểm tra HBsAg và anti-HBs vào lúc trẻ được 9 - 15 tháng. Vào giai đoạn sau sinh, người mẹ cần được theo dõi viêm gan bùng phát do ngưng thuốc. Một trong những kiểu lây nhiễm HBV cần quan tâm là lây nhiễm qua sữa mẹ. Một vài nghiên cứu cho thấy trong sữa mẹ có một số lượng nhỏ HBsAg, nhưng bú mẹ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm HBV từ bà mẹ mang HBsAg (+) sang cho con. Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh được dùng HBIG và vaccin sẽ giúp trẻ chống lại được nhiễm HBV. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trẻ sơ sinh có thể bú mẹ ngay sau khi sinh với điều kiện có chủng ngừa như đã nêu trên. Bú bình được đề nghị cho những trẻ con của bà mẹ có núm vú bị nứt hay nhiễm khuẩn vú.
 

Trung bình mỗi năm có từ 10 - 30 triệu người nhiễm HBV, ước tính có khoảng 1 triệu người chết do HBV và do những biến chứng của bệnh. Như vậy, trung bình mỗi phút có 2 người chết vì HBV. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 10 trên toàn thế giới. Bệnh thường không có triệu chứng, phần lớn người bệnh không có biểu hiện gì và vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ phát hiện khi tình cờ đi làm xét nghiệm máu (HBsAg).

 

Theo PGS.TS. Vũ Thị Nhung/SK&ĐS

 


.