Nghĩa Hành: Đi đầu trong chăm sóc SKSS/KHHGĐ

02:05, 21/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, huyện Nghĩa Hành đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động tư vấn lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) đạt kết quả cao.

Ông Lê Văn Minh-Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nghĩa Hành cho biết, được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ dân số, huyện đã triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản-kế hoạch hoá gia đình (gọi tắt là chiến dịch) đạt hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi xã tổ chức hai chiến dịch, thu hút hàng trăm chị em phụ nữ đến khám sức khỏe sinh sản và được tư vấn, hỗ trợ dịch vụ phòng tránh thai. Ngoài ra, cả những phụ nữ đã qua tuổi sinh đẻ cũng đến để được tư vấn sức khoẻ.

Huyện Nghĩa Hành nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thực hiện DS/KHHGĐ thông qua tổ chức hội thi.
Huyện Nghĩa Hành nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thực hiện DS/KHHGĐ thông qua tổ chức hội thi.


 Để triển khai chiến dịch đạt hiệu quả, Ban chỉ đạo chiến dịch từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện được thành lập. Ban chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể trách nhiệm cho từng thành viên. Mỗi địa phương đều được giao chỉ tiêu cụ thể. Cộng tác viên dân số phụ trách địa bàn phối hợp với cán bộ các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương rà soát, lên danh sách đối tượng cần vận động thực hiện dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Tổng các biện pháp tránh thai trên địa bàn huyện thực hiện đạt 97%. Nhiều biện pháp tránh thai như: Đình sản, bao cao su, thuốc tiêm tránh thai đều thực hiện vượt chỉ tiêu (trên 115%).

Năm 2014, kinh phí thực hiện chiến dịch từ chương trình mục tiêu quốc gia về DS/KHHGĐ bị cắt giảm, chỉ được hỗ trợ kinh phí triển khai tại 5 xã vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, ngay từ đầu năm UBND huyện Nghĩa Hành đã trích kinh phí 25 triệu đồng hỗ trợ triển khai chiến dịch và công tác truyền thông thực hiện mô hình khu dân cư đăng ký không sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, Trung tâm DS/KHHGĐ huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền cấp xã để triển khai chiến dịch đạt hiệu quả.

Hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ tại địa phương được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nghĩa Hành tăng cường tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề về DS, SKSS/ KHHGĐ, nhất là tại các địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Hoạt động truyền thông được tăng cường lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể ở địa phương, thu hút nhiều đối tượng tham gia.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác DS/KHHGĐ ở huyện Nghĩa Hành cũng gặp một số khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ. Theo Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Lê Văn Minh, ở một số nơi chính quyền địa phương thiếu quan tâm, hỗ trợ cho công tác DS/KHHGĐ. Chương trình mục tiêu quốc gia về DS/KHHGĐ không hỗ trợ kinh phí cho gói dịch vụ phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản, trong khi đó tỷ lệ phụ nữ đến khám và mắc bệnh phụ khoa chiếm hơn 50%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện giảm còn 9,5% nhưng thiếu tính bền vững. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn cao (117 nam/100 nữ). “Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác DS/KHHGĐ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp tích cực giữa các ban ngành, đoàn thể”, ông Minh đề nghị.

Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 


.