Nhân ngày thế giới phòng chống lao (24.3):
Tỷ lệ bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngày càng tăng

10:03, 23/03/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Ngãi, tỷ lệ bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngày càng tăng trong những năm gần đây. Do không tuân thủ phác đồ điều trị và uống thuốc theo hướng dẫn, bệnh nhân dễ dàng mắc lao kháng thuốc, gây nguy cơ cho sức khỏe cho cộng đồng còn trầm trọng hơn cả HIV/AIDS.
Mỗi năm Quảng Ngãi có 1.250-1.350 bệnh nhân lao điều trị tại cộng đồng hoặc các cơ sở y tế. Trong số đó, có khoảng 6-7% bệnh nhân mắc lao kháng thuốc. Tuy nhiên, con số này trong những năm gần đây ngày càng tăng, gây trở ngại trong quá trình quản lý và điều trị.
 
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Quảng Ngãi, có 13 trường hợp mắc lao kháng thuốc được ghi nhận vào năm 2013, cao hơn nhiều so với những năm trước. Đây vẫn chưa là con số chính xác vì còn nhiều trường hợp mắc ngoài cộng đồng không chịu đến điều trị tại các cơ sở y tế.

 

Mỗi năm, Quảng Ngãi có 1.250-1.350 bệnh nhân mắc lao đến điều trị tại các cơ sở y tế
Mỗi năm, Quảng Ngãi có 1.250-1.350 bệnh nhân mắc lao đến điều trị tại các cơ sở y tế
 
Bà Lương Thị D. ngụ ở xã Bình Châu (Bình Sơn) hiện đang nằm điều trị tại Khoa Lao, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Quảng Ngãi. Đây là lần thứ 4 bà D nhập viện điều trị trong vòng 3 năm qua. Bệnh nhân D. được các bác sĩ chẩn đoán nghi mắc lao kháng thuốc. Bà D cho hay: Những lần trước, bác sĩ bảo phải nằm điều trị và uống thuốc đúng theo hướng dẫn liên tục trong 8 tháng mới dứt khỏi. Nhưng khi về nhà uống thuốc hoài thấy đỡ rồi thì tôi không uống nữa. Ai ngờ một thời gian sau thì bị lại.
 
Hiện tại, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Quảng Ngãi vẫn chưa được trang bị máy móc để thực hiện xét nghiệm nuôi cấy vi trùng lao và kháng sinh đồ lao để nhận biết tình trạng lao kháng thuốc. Do đó, khi phát hiện những bệnh nhân nghi mắc lao kháng thuốc như bà D., thì y bác sĩ sẽ chuyển đi các bệnh viện tuyến trên để xét nghiệm và điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vì không đảm bảo năng lực tài chính để theo điều trị thì đành phải ôm bệnh trong người và gây ra nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
 
Trong y học, lao kháng thuốc là trường hợp lao, thường là lao phổi, có vi khuẩn lao kháng với một hay nhiều thuốc kháng lao được phát hiện. Nếu bệnh nhân đã điều trị kháng lao, sau đó mới tìm thấy vi khuẩn lao kháng thuốc gọi là kháng thứ phát sau điều trị. Nếu bệnh nhân trước đó chưa điều trị kháng lao bao giờ, mà tìm có vi khuẩn lao kháng thuốc gọi là kháng tiên phát.
 
Bác sĩ Tạ Đình Phương- Phó Khoa ngoài lao phổi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Ngãi cho hay: Thường thì các trường hợp lao kháng thuốc đều là kháng thứ phát vì trước đó bệnh nhân mắc lao nhưng không điều trị và uống thuốc đúng hướng, bỏ điều trị giữa chừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng tôi vẫn phát hiện nhiều bệnh nhân nghi mắc lao kháng thuốc tiên phát, do từng tiếp xúc với người bệnh lao kháng thuốc thứ phát và bị lây nhiễm. Có thể thấy, khả năng lây lan của lao kháng thuốc rất cao.

 

Nếu không tuân thủ điều trị và uống thuốc theo đúng hướng dẫn, người bệnh dễ dàng mắc lao kháng thuốc với tỷ lệ chữa khỏi khá nhỏ
Nếu không tuân thủ điều trị và uống thuốc theo đúng hướng dẫn, người bệnh dễ dàng mắc lao kháng thuốc với tỷ lệ chữa khỏi khá thấp
 
Bệnh nhân Nguyễn Trung T. ngụ ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) là một minh chứng cụ thể cho trường hợp mắc lao kháng tiên phát. Ông T. phải nằm điều trị suốt 4 tháng ròng rã tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Ngãi nhưng bệnh vẫn không hề suy giảm. Ông T. khẳng định: “Trước đây tôi chưa hề mắc lao và từ khi phát hiện mình mắc lao thì nghiêm chỉnh tuân theo hướng dẫn của bác sĩ”. Qua quá trình điều trị, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. nghi mắc lao kháng tiên phát vì qua 4 lần xét nghiệm mẫu đờm, kết quả đều dương tính với vi khuẩn lao.
 
Trên thực tế, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và sinh hoạt, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, thời gian điều trị dài ngày khiến cho nhiều người nản, nhất là những người trẻ và người có điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là tiền đề để vi khuẩn lao kháng thuốc phát triển trong cơ thể người bệnh.
 
Một khi đã mắc lao kháng thuốc, thì quá trình điều trị cho bệnh nhân lại phức tạp và kéo dài hơn nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ chữa khỏi chỉ khoảng 20% và dễ dàng lây vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh. Tại Quảng Ngãi, do ý thức của người dân trong việc điều trị dứt điểm bệnh lao chưa cao nên tỷ lệ mắc lao kháng thuốc ngày càng tăng.
 
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi phát hiện mắc lao, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Cùng với đó, người bệnh phải kiên nhẫn đấu tranh đến cùng với vi khuẩn lao. Nếu bỏ giữa chừng, vi khuẩn lao kháng thuốc sẽ tấn công và gây ra hậu quả khó lường.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.