Những chiến sĩ áo trắng

06:01, 13/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Lương y phải như từ mẫu". Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua nhiều cán bộ y tế trong tỉnh đã hết lòng vì người bệnh. Trong số đó, có người đã sẵn sàng bất chấp hiểm nguy, gian khó để đến với người bệnh.

Tiên phong vào vùng dịch bệnh   
    
Một trong những điểm sáng về y đức của ngành y tế trong năm 2013 phải kể đến đội ngũ cán bộ Trung tâm y tế huyện Ba Tơ. Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân xuất hiện tại 5 xã của huyện, nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Ba Điền. Đồng hành cùng người dân ở đây  là đội ngũ y tế cơ sở ở Ba Tơ. Họ trực tiếp đến với người bệnh, vận động người dân đến cơ sở khám chữa bệnh, tin tưởng vào thầy thuốc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhiều cán bộ y tế huyện Ba Tơ đã mất ăn mất ngủ, trắng đêm túc trực cấp cứu người bệnh.

 

Chăm sóc sức khỏe người bệnh luôn là nhiệm vụ cao cả của những người chiến sĩ áo trắng.   Ảnh: TL
Chăm sóc sức khỏe người bệnh luôn là nhiệm vụ cao cả của những người chiến sĩ áo trắng. Ảnh: TL


Người dân Ba Điền đã quen với sự có mặt của y sĩ Sinh. Anh là một trong những cán bộ y tế thuộc Đội Vệ sinh phòng dịch-Trung tâm y tế huyện có mặt hàng tháng trời ở xã vùng cao Ba Điền để hỗ trợ người dân. Anh Sinh quê ở xã Bình Phú (Bình Sơn) về công tác tại Đội Vệ sinh phòng dịch- sốt rét huyện từ năm 2008. Bốn năm trong nghề, lắm vui, buồn cùng người bệnh, nhưng ấn tượng nhất đối với anh vẫn là mùa mưa năm 2011- thời gian Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân bùng phát mạnh nhất ở Ba Điền.

Không những hỗ trợ người dân trong vấn đề vệ sinh môi trường, giám sát ca bệnh mà anh cùng một số cán bộ tại Trạm y tế xã thường xuyên vận động, giải thích cho người dân về tình hình dịch bệnh. Nhiều trường hợp người bệnh trốn viện, anh đã kiên trì giải thích giúp họ quay trở lại bệnh viện điều trị. “Sau khi có nhiều người chết vì hội chứng này, người dân rất hoang mang. Bệnh nhân nào cũng nghĩ đi bệnh viện là sẽ chết nên tìm cách ở nhà. Bọn mình thuyết phục lắm họ mới chịu đi viện trở lại”, y sĩ Sinh nhớ lại.

 Trong cuộc chiến này cũng phải kể đến vai trò, trách nhiệm của bác sĩ Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ và 12 cán bộ y, bác sĩ tại Phòng khám cấp cứu Trung tâm y tế huyện. Bác sĩ Đặng Thị Phượng cho biết, mặc dù từ tháng 6 đến nay không có ca mắc mới, nhưng thời điểm này chúng tôi vẫn luôn sát cánh bên người dân vùng dịch bệnh. Hằng tháng, chúng tôi đều về cơ sở tổ chức khám sàng lọc, phun thuốc khử trùng, tư vấn, cấp thuốc cho người dân. Hằng tuần, Trung tâm cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, hỗ trợ cho trạm y tế thực hiện các biện pháp can thiệp tại cộng đồng, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của người dân. “Chỉ khi nào đẩy lùi được căn bệnh hội chứng này một cách triệt để thì ngày đó, anh em cán bộ y tế chúng tôi mới ăn ngon, ngủ yên được”, bác sĩ Phượng nói.

“Từ mẫu” của bệnh nhân tâm thần

Bệnh viện Tâm thần tỉnh là đơn vị điển hình của tỉnh trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ-Giám đốc Bệnh viện cho biết:  “Chúng tôi quán triệt cho mỗi cán bộ đảng viên, công chức phải nhận thức rõ việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải đạt trên cả 2 lĩnh vực: Thay mặt xã hội để chăm sóc cho những đối tượng thiệt thòi và thực hiện tốt 12 điều y đức của ngành y”.

Bác sĩ Phượng khám, cấp thuốc, hướng dẫn người dân Làng Rêu, xã Ba Điền điều trị dự phòng Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.
Bác sĩ Phượng khám, cấp thuốc, hướng dẫn người dân Làng Rêu, xã Ba Điền điều trị dự phòng Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.


Trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Khoa tâm thần nữ, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khá đặc biệt của bệnh nhân, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Hoa chia sẻ: "Ai mới vào nghề này cũng đều sợ hãi, lo lắng, căng thẳng trong môi trường làm việc “khác người” ở đây.

Nhưng rồi sau một thời gian ngắn, lại cảm thấy thương người bệnh rất nhiều". Đã 13 năm gắn bó với môi trường làm việc đầy những thử thách và khó khăn, điều dưỡng Hoa (SN 1976) như đã quá quen với những biểu hiện có thể gọi là “quá đáng” của bệnh nhân. Có khi là bị phun thức ăn vào mặt, thậm chí có những tình huống không thể nào ngờ nhưng cô điều dưỡng vẫn ân cần, nhỏ nhẹ dỗ dành và bằng mọi cách để trấn tĩnh bệnh nhân của mình. “Mình phải chấp nhận dù có bị bệnh nhân đuổi đánh. Khi họ lên cơn tâm thần mới vậy, chứ bình thường họ cũng như bao con người khác”, chị Hoa tâm sự.

Còn với Bác sĩ Đặng Trong,  trực tiếp điều trị cho bệnh nhân ở Khoa tâm thần nam, chứng kiến cảnh bệnh nhân lên cơn la hét, quậy phá dường như đã quá quen thuộc với anh. Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng bệnh, thấy anh, các bệnh nhân vui mừng, hò reo. Nhìn cảnh bệnh nhân vây quanh và anh gần gũi, vỗ về người bệnh, chúng tôi cảm nhận như anh không chỉ là một bác sĩ mà còn là một người anh, người bạn, người thân thương nhất của những người bệnh đáng thương này. Trò chuyện với chúng tôi, anh kể: Nhiều khi mình thăm khám cho bệnh nhân mà họ nổi cơn bất tử, tung cú đá vào người, may mà mình né kịp. Những lúc như vậy, mình nghĩ thấy tội, thấy thương người bệnh hơn”.

Có đến đây, trực tiếp nhìn những y bác sĩ, nhân viên hộ lý đang cần mẫn chăm sóc bệnh nhân trong cơn điên loạn, chúng tôi thầm nghĩ: Y đức đâu phải là những điều gì cao siêu, đâu phải là tấm bảng 12 điều y đức treo lên tường để nhắc nhở… Y đức đôi khi chỉ là hành động không kịp suy nghĩ khi đưa tay cho bệnh nhân cắn vì sợ họ trong cơn kích động sẽ cắn phải lưỡi, hay lặng lẽ cắt tóc, móng tay, tắm rửa cho bệnh nhân; khi thì "nhập vai" cùng hát, cùng vui - buồn với bệnh nhân. Cũng chính vì làm việc ở môi trường khá đặc biệt như vậy, y đức ở đây cứ lặng lẽ tỏa sáng.

Khi đất trời, vạn vật đắm mình trong giây phút chào đón năm mới, ở đâu đó còn có những người thầy thuốc vẫn đang túc trực cứu người. Và không chỉ dừng lại ở những câu chuyện về những lương y trên mà quanh ta vẫn còn nhiều tấm gương sáng nêu cao tinh thần y đức rất đáng tự hào và thật đáng trân trọng biết bao!


         Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.