Y tế dự phòng tuyến huyện: Chưa được quan tâm đúng mức

08:11, 05/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2007, Quảng Ngãi thực hiện chia tách hệ thống y tế dự phòng 7 huyện, thành phố đồng bằng ra khỏi Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố. Từ đó đến nay, một số Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) trên địa bàn tỉnh vẫn phải chịu cảnh “ăn nhờ, ở đậu” cơ sở vật chất của bệnh viện tuyến huyện.       

Từ thiếu...

Với chức năng thực hiện 18 chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện các chương trình y tế của tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng hiện nay đang gánh trên vai trọng trách khá lớn. Vì thế, năm 2007-2008, được sự đồng ý của Bộ Y tế và UBND tỉnh, ngành Y tế Quảng Ngãi đã tách 7 trung tâm y tế huyện đồng bằng và thành phố để thành lập Bệnh viện Đa khoa huyện, thành phố và Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện, thành phố. Đến nay vẫn có nhiều TTYTDP huyện đang phải ở nhờ, thuê trụ sở, như TTYTDP huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa phải ở nhờ tại Bệnh viện Đa khoa huyện. Còn TTYTDP Nghĩa Hành thì mấy năm qua thuê nhà dân làm trụ sở làm việc.

 

Trung tâm y tế dự phòng thành phố Quảng Ngãi quá chật hẹp và đã xuống cấp.
Trung tâm y tế dự phòng thành phố Quảng Ngãi quá chật hẹp và đã xuống cấp.


Riêng chỉ có duy nhất TTYTDP huyện Mộ Đức được coi là “hoành tráng”  hơn cả. Trụ sở mới được xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 6.2013. Cơ sở này được xây dựng với kinh phí 8,8 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ Y tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (do Bộ Y tế làm chủ dự án). Tuy nhiên, phần ruột của trụ sở này thiếu đủ thứ và không đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế quy định.

   Còn tại TTYTDP thành phố Quảng Ngãi, mặc dù là cơ sở độc lập, nhưng cũng chỉ vỏn vẹn 448m2 , nên khá chật hẹp. Đây là cơ sở cũ của Phòng khám đa khoa khu vực, xây dựng trên 20 năm và đã xuống cấp nghiêm trọng. Còn đến TTYTDP Tư Nghĩa, phải tìm “mỏi mắt” mới  đến  được phòng làm việc. Hiện trung tâm ở nhờ tại Bệnh viện huyện. Phương tiện và 40 con người làm việc trong 8 gian phòng, rộng nhất 14m2, còn nhỏ nhất chỉ có 2m2,  “Vì thiếu phòng nên chúng tôi ghép 4 cán bộ làm việc trong một phòng 12m2. Các phòng kế toán, văn thư, thủ quỹ, hành chính cũng phải ghép lại làm một, nên gây bất tiện trong quá trình công tác”, bà Trần Thị Thu Hương- Giám đốc TTYTDP huyện Tư Nghĩa cho hay.

…đến khó

Trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn như vậy, nên hầu hết khu chuyên môn và công cộng ở các TTYTDP tuyến huyện đều không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật. Việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trang thiết bị phần lớn là của đội dự phòng, đội sinh đẻ, kế hoạch hoá gia đình trước đây để lại. Nguồn tự chủ của các trung tâm gần như không có nên cũng chỉ trang bị mua sắm vài thiết bị nhỏ lẻ. Vì vậy, đến nay so với chuẩn thiết bị do Bộ Y tế quy định đối với TTYTDP tuyến huyện thì còn quá thiếu thốn, không thể triển khai được hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, đặc biệt là bác sĩ còn thiếu, đội ngũ cán bộ chuyên trách còn kiêm nhiệm nhiều công việc.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế cho biết: Từ năm 2011, Sở  đã xây dựng Đề án Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó có kế hoạch phát triển, củng cố hệ thống Y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Sở đã triển khai lập dự án đầu tư xây dựng các công trình TTYTDP huyện Đức Phổ, Bình Sơn (UBND tỉnh phê duyệt năm 2010), Tư Nghĩa, Nghĩa Hành (UBND tỉnh phê duyệt năm 2011), nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí triển khai xây dựng. Sở cũng phân bổ 8/29 bác sĩ, dược sĩ mới tình nguyện về công tác tại tỉnh để bổ sung nhân lực cho các đơn vị y tế dự phòng.

Trong thời gian đến, ngành y tế  sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh trong việc đầu tư nguồn lực cho công tác y tế dự phòng.  Đồng thời chủ động xây dựng các đề án, kế họach triển khai và phối hợp tốt với các cấp, ngành để công tác y tế dự phòng tỉnh nhà đạt kết quả cao hơn.


      Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.