Nguy cơ ô nhiễm môi trường sau lũ

07:11, 22/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơn lũ lịch sử  đã làm chết hàng loạt gia súc, gia cầm trong tỉnh. Những ngày qua, ngành chức năng và các địa phương đang khẩn trương xử lý, nhưng số lượng gia súc, gia cầm chết khá lớn nên các xã vùng trũng đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường…

TIN LIÊN QUAN

 Xác gia súc, gia cầm nhiều

 Xã Nghĩa Mỹ là vùng trũng của huyện Tư Nghĩa. Mưa lũ nước dâng cao nhiều hộ dân chỉ kịp chạy đi tránh lũ không kịp chuyển gia súc, gia cầm. Cộng vào đó, hàng trăm con gia súc, gia cầm chết từ các xã phía tây của huyện theo dòng nước tấp vào các cánh đồng thuộc thôn Bắc Mỹ, Mỹ Hòa. Sau mưa lũ, trên dòng kênh, cánh đồng ở địa phương này gia súc, gia cầm chết đã trương sình la liệt. Mùi hôi thối bốc lên. Trong ngày 18 và 19.11, chính quyền địa phương đã phối hợp với người dân ra quân dọn dẹp, đào hố chôn lấp xác gia súc, gia cầm.

Sau lũ, gia súc chết làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Sau lũ, gia súc chết làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.


Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) cho biết: "Gia súc, gia cầm chết trôi về đây nhiều quá. Bà con sau lũ vừa lo dọn nhà vừa lại tốn công  chôn lấp gia súc, gia cầm chết. Nhưng lượng gia súc, gia cầm chết quá nhiều, nên còn phải mất nhiều ngày nữa mới chôn xong.

Tại vùng hạ lưu ven sông Trà Khúc thuộc các xã Tịnh Ấn Đông, Tịnh Hà...(Sơn Tịnh) gia súc, gia cầm chết do lũ trôi tấp vào khá nhiều.  Ông Trần Công Hiệp - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh, đưa ra con số thống kê chưa đầy đủ: Đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện có  gần 1.600 con gia súc, gần 25.000 con gia cầm bị chết. Ngoài ra còn có hàng ngàn con gia súc, gia cầm ở các địa phương khác chết trôi tấp trên vùng hạ lưu sông Trà Khúc. Ông Hiệp cho biết thêm: "Dù sau lũ bà con bộn bề công việc, nhưng các địa phương phải huy động mỗi gia đình phải cử người tham gia chôn lấp gia súc, gia cầm chết, chứ để lâu ô nhiễm môi trường, sinh dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe người dân".

Cần nhiều hóa chất     

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến ngày 18.11, toàn tỉnh có gần 20.000 con gia súc; gần 222.000 con gia cầm bị chết trong đợt lũ lụt vừa qua. Trong đó, các địa phương thiệt hại nặng là huyện Đức Phổ trên 100.000 con gia súc và gia cầm; huyện Tư Nghĩa gần 30.000 con; Sơn Tịnh gần 24.000con; Nghĩa Hành gần 74.000 con...

Bà Hạ Vũ - Phó Chi cục Môi trường Quảng Ngãi, cho biết: "Ngay sau lũ, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương xử lý môi trường. Đối với gia súc, gia cầm bị chết trong lũ cần phải gom đốt, đào hố chôn lấp, rắc vôi khử trùng đúng quy trình mà ngành môi trường đã hướng dẫn”.

Còn ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa thì cho biết: "Sau mưa lũ chúng tôi đã chỉ đạo cho các địa phương và ngành y tế chú trọng kiểm tra công tác dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng xử lý xác súc vật chết...".


Tuy các cấp, ngành, địa phương có những nỗ lực nêu trên, nhưng điều dễ nhận thấy là, ở các xã vùng trũng, gia súc, gia cầm chết trôi về quá nhiều nên việc xử lý tốn rất nhiều công sức. Chôn lấp gia súc, gia cầm cần có hóa chất mới đảm bảo an toàn. Vì vậy, cấp trên cần tăng cường hỗ trợ hóa chất để huyện phân bổ về cho các xã tiến hành xử lý môi trường.


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.