Lưu ý khi dùng thuốc điều trị nấm kẽ chân

09:10, 09/10/2013
.

Nấm kẽ chân (còn gọi là nước ăn chân) là một bệnh ngoài da thường gặp, nhất là vào mùa mưa bão, do chân luôn luôn bị ẩm ướt. Ngoài ra, bệnh còn hay gặp ở những người hay ra mồ hôi chân. Nguyên nhân gây bệnh thường do nấm Trichophyton rubrum.

Một số thuốc thường dùng

Clotrimazol: Là loại thuốc chống nấm tại chỗ phổ rộng, có dạng đơn lẻ hoặc phối hợp với corticoid như betamethason, hydrocortisone... Đây là thuốc được dùng điều trị các trường hợp bệnh ngoài da do nhiễm các loài nấm gây bệnh khác nhau. Ngoài điều trị nước ăn chân (nấm kẽ chân), clotrimazol còn được dùng điều trị tại chỗ các bệnh nấm Candida ở miệng, họng, âm hộ, âm đạo; bệnh nấm da (lang ben), viêm móng và quanh móng... Không dùng clotrimazol cho điều trị nhiễm nấm toàn thân.
 

 Mùa mưa lũ chân luôn ẩm ướt rất dễ bị nấm kẽ chân. Ảnh minh hoạ
Mùa mưa lũ chân luôn ẩm ướt rất dễ bị nấm kẽ chân. Ảnh minh hoạ


Ketoconazol: Đây là thuốc chống nấm có hoạt phổ rộng, có cả dạng kem bôi ngoài và dạng viên nén, hỗn dịch để uống. Thuốc có tác dụng kìm hãm nấm nhưng cũng có thể diệt nấm ở nồng độ cao và dùng kéo dài hoặc trên nấm rất nhạy cảm.

Ketoconazol có thể gây độc cho gan vì thế không nên dùng cho những người đã bị bệnh gan. Biến chứng ở gan thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, phụ nữ, người nghiện rượu hoặc bị suy chức năng gan do những nguyên nhân khác.

Vừa qua, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã có cảnh báo nhấn mạnh về nguy cơ gây tổn thương gan nghiêm trọng, các vấn đề tuyến thượng thận và có thể dẫn đến tương tác thuốc có hại với các thuốc khác khi dùng đồng thời đối với loại viên nén uống nizoral (ketoconazol). Do độc tính trên của thuốc nên dạng viên nén này không còn là một thuốc điều trị đầu tay cho bất kỳ loại nhiễm trùng nấm nào. Đối với viên nén nizoral không được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm ở da và móng tay.

Miconazol: Miconazol là thuốc imidazol tổng hợp có tác dụng chống nấm đối với nhiều loại nấm khác nhau, trong đó có nấm kẽ chân do thuốc ức chế tổng hợp ergosterol ở màng tế bào nấm gây ức chế sự sinh trưởng của tế bào nấm.
 

  Hình ảnh nấm Trichophyton rubrum.
Hình ảnh nấm Trichophyton rubrum.


Khi dùng tại chỗ có thể gây kích ứng nhẹ, bỏng rát, nổi mẩn. Dùng đường uống có thể gây rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn hoặc đôi khi tiêu chảy. Dùng đường tiêm gây tác dụng phụ chiếm tỷ lệ cao nhất. Không nên dùng miconazol đường tĩnh mạch để điều trị bệnh nhiễm nấm thông thường.

Itraconazol: Itraconazol được dùng điều trị nhiều loại nấm: nấm kẽ chân, kẽ tay, nấm bẹn; nấm Candida ở miệng - họng, âm hộ - âm đạo; lang ben... Thuốc hấp thu tốt khi uống ngay sau bữa ăn hoặc uống cùng thức ăn, do thức ăn làm tăng hấp thu. Không dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai hoặc dự định có thai. Mặc dù điều trị ngắn ngày, thuốc không làm rối loạn chức năng gan, nhưng cũng không nên dùng thuốc cho người bệnh có tiền sử bệnh gan hoặc gan đã bị nhiễm độc do các thuốc khác. Khi điều trị dài ngày (trên 30 ngày) phải giám sát định kỳ chức năng gan.

Khi điều trị ngắn ngày, tác dụng không mong muốn thường xảy ra ở khoảng 7% người bệnh, phần lớn là buồn nôn, đau bụng, nhức đầu và khó tiêu. Khi điều trị dài ngày ở người bệnh đã có bệnh tiềm ẩn và phải dùng nhiều loại thuốc cùng lúc thì tác dụng không mong muốn xảy ra nhiều hơn (16,2%). Hầu hết các phản ứng phụ xảy ra ở đường tiêu hóa và với tần xuất ít nhất 5 - 6% trên số người bệnh đã điều trị.

Những lưu ý

Khi bị nấm kẽ chân, ở các kẽ ngón chân thấy đỏ, trợt da, chảy dịch... và rất ngứa. Tuy nhiên, nếu bị nhẹ chỉ cần dùng dạng thuốc bôi ngoài, chỉ dùng thuốc uống khi bệnh nặng (theo chỉ định của bác sĩ).

Mỗi loại thuốc bôi, từng loại biệt dược, từng dạng bào chế sẽ có các đặc điểm dược lý học và hiệu quả khác nhau, lưu ý sử dụng khác nhau nhưng khi dùng thuốc bôi chống nấm đều cần phải lưu ý một số vấn đề sau: Không cần phải ngâm rửa tổn thương khi bôi thuốc. Nếu tổn thương chảy dịch nhiều, có bám bụi bẩn, dị vật... thì chỉ cần lau sạch tổn thương bằng bông, gạc sạch rồi bôi thuốc; Bôi thuốc đúng cách, vừa đủ lượng: bôi một lớp mỏng, dàn đều lên bề mặt tổn thương là đủ. Nếu bôi quá nhiều thuốc có thể gây cảm giác nóng, rát ở tổn thương, gây lãng phí thuốc.

Bệnh nấm kẽ chân thường hay gặp trong mùa mưa, việc điều trị bệnh không khó nhưng các loại thuốc kháng nấm đường bôi và đường uống khi dùng cũng cần thận trọng và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ.


Để phòng nấm kẽ chân, không nên đi giày, tất nhiều giờ trong ngày. Vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt, giày tất lâu khô, không được sử dụng đồ ướt tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển và bệnh lâu khỏi, dễ tái phát, tái nhiễm. Nếu chân ướt, phải hong khô, lau sạch bàn chân bằng vải mềm rồi mới đi tất, giày.
 

Theo DS. Hoàng Thu Thủy/Sức khoẻ&Đời sống


 


.