Phòng chống HIV/AIDS: Trách nhiệm của cả cộng đồng

07:09, 06/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Căn bệnh HIV/AIDS không chỉ xuất hiện ở các nhóm có nguy cơ cao mà có thể lây lan sang nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em… Để giảm thiểu số ca nhiễm mới, việc tham gia phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của cả cộng đồng.


 Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 31.5.2013, cả nước có hơn 213 nghìn trường hợp nhiễm HIV và hơn 63 nghìn bệnh nhân AIDS còn sống, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 20-39 tuổi. Nguyên nhân lây truyền HIV chủ yếu qua đường tình dục (chiếm hơn 45%), lây truyền qua đường máu (chiếm gần 42%), ngoài ra còn có nguyên nhân lây truyền từ mẹ sang con và một số nguyên nhân khác…

 

Cán bộ tham gia lớp tập huấn về công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.
Cán bộ tham gia lớp tập huấn về công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.


Tại Quảng Ngãi, theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, đến tháng 6.2013 có 505 trường hợp nhiễm HIV, 318 trường hợp nhiễm AIDS. 6 tháng đầu năm 2013 có 25 trường hợp nhiễm mới HIV (tăng 13 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), 16 trường hợp nhiễm mới AIDS (giảm 7 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Trong số 25 ca nhiễm mới (15 nam, 10 nữ) thì có đến 20 ca lây truyền qua đường tình dục, 3 ca từ mẹ sang con và 2 ca không rõ nguyên nhân.
Không giống như những năm trước, trường hợp mắc bệnh không chỉ tập trung ở khu vực thành phố mà ở khắp các vùng nông thôn, miền núi…

Ở các KCN, nhất là Khu Kinh tế Dung Quất, số người lao động ngày một tăng cao, trong đó có nhiều người ngoài tỉnh, do vậy việc kiểm tra, giám sát, sàng lọc HIV gặp khó khăn. Đây là khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV tăng cao. Anh Phạm Công Trung-Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Bình Thuận (Bình Sơn) cho biết: “Những người làm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn ở xã Bình Thuận chủ yếu là người ngoài địa phương nên chúng tôi rất khó tiếp cận. Việc sàng lọc, xét nghiệm HIV chủ yếu do người dân tự nguyện, chính quyền địa phương không thể ép buộc khi họ không đồng ý hợp tác”.

Công tác phòng chống HIV/AIDS đã được các ngành, các cấp tổ chức thực hiện trong nhiều năm qua với nhiều hình thức khác nhau. Công tác tuyên truyền được tăng cường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn, treo panô, áp phích, phát tờ rơi, sách…  Việc cấp phát bao cao su, thuốc ARV và hình thức truyền thông trực tiếp trong cộng đồng được chú trọng thực hiện… Qua công tác truyền thông, nhiều người bệnh đã chủ động đến cơ sở y tế để được tiếp cận phương pháp điều trị. Nhiều bệnh nhân phục hồi sức khỏe và  hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người bị kỳ thị, sống xa lánh cộng đồng, không tiếp cận cơ sở y tế để điều trị bệnh...

Phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống HIV/AIDS.


Bài, ảnh: T.PHƯƠNG

 


.