Lo ngại ở nhiều điểm tiêm chủng mở rộng

09:07, 28/07/2013
.

(QNĐT)- Tình trạng lộn xộn, mất trật tự tại nhiều điểm tiêm chủng mở rộng tại Quảng Ngãi diễn ra thường xuyên. Điều này không chỉ khiến cho phụ huynh lo lắng mà còn làm tăng nguy cơ rủi ro, tử vong ở trẻ khi tiêm chủng.

TIN LIÊN QUAN

Thời gian qua, tại một số địa phương trong cả nước xảy ra tình trạng tai biến ở trẻ khi tiêm vắc xin, dẫn đến tử vong. Khi nghe thông tin này, không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của con trẻ khi đến kỳ tiêm chủng. Thêm vào đó, việc không làm đúng quy trình cùng với tình trạng quá tải ở một số điểm tiêm chủng càng khiến cho nhiều người hoang mang hơn.

Theo phản ánh của một số người dân, chúng tôi có mặt tại Trạm y tế xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) vào đúng ngày có lịch tiêm chủng. Từ sáng sớm, các phụ huynh đã dẫn con tới để tranh thủ được tiêm sớm. Không khí khá náo loạn với cảnh kẻ đứng, người ngồi lô nhô mất trật tự từ 7 giờ sáng.

 

Cảnh lộn xộn khi chờ tiêm vắc xin thường xuyên xảy ra tại một số điểm tiêm chủng mở rộng
Cảnh lộn xộn khi chờ tiêm vắc xin thường xuyên xảy ra tại một số điểm tiêm chủng mở rộng


Bác sỹ Lê Hoài Phụng- Trưởng trạm y tế xã Nghĩa Hà phân bua: Do diện tích trạm quá nhỏ, kèm theo đó là thiếu bàn ghế bố trí cho phụ huynh ngồi chờ tới lượt con mình được tiêm nên tháng nào cũng vậy, nhìn thì khá lộn xộn nhưng chúng tôi luôn đảm bảo tiêm chủng theo đúng quy trình.

Theo quy trình tiêm chủng an toàn thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, khi mang trẻ tới tiêm chủng gia đình sẽ được tư vấn về tác dụng, lợi ích và những rủi ro gặp phải khi tiêm chủng phòng bệnh; khám loại trừ những trường hợp chống chỉ định khi tiêm. Sau khi tiêm, cơ sở y tế phải theo dõi tình trạng sức khỏe người được tiêm chủng tối thiểu 30 phút tại điểm tiêm chủng mới cho về.

Tuy nhiên, tại điểm tiêm chủng xã Nghĩa Hà, trái với lời khẳng định của Trưởng trạm y tế, quy trình này hầu như bị “bỏ quên”. Từ khi bắt đầu buổi tiêm chủng, các y bác sĩ chỉ nhận sổ gọi tên và yêu cầu gia đình dẫn cháu vào phòng tiêm.

 

Việc tiêm phòng cần phải đúng quy trình nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ
Việc tiêm phòng cần phải đúng quy trình nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Bà Đỗ Thị Định- thôn Bình Tây vừa ôm cháu ra khỏi trạm y tế sau khi tiêm chủng, cho hay: Ở đây, tôi thấy bác sĩ chỉ yêu cầu nộp sổ và chờ đến lượt mình. Sau đó thì cháu được tiêm chủng theo mũi đã định sẵn phù hợp với độ tuổi. Bác sĩ sau khi tiêm cũng yêu cầu ở lại trạm ít nhất 30 phút để theo dõi có biến chứng gì không, nhưng hầu hết phụ huynh đều bế trẻ về nhà ngay sau khi tiêm. Vừa rồi có thông tin trẻ tử vong sau khi tiêm chủng, tôi cũng sợ lắm.  Mỗi lần bế cháu đi tiêm thấy cảnh lộn xộn thế này, tôi cũng rất lo.

Cũng là người đem con đến tiêm chủng nhiều lần tại Trạm y tế xã Nghĩa Hà, chị Trần Thị Anh Thư băn khoăn: Tôi mang con đến đây tiêm, uống vắc xin được 4 lần. Nhưng lần cũng vậy, việc khám và tư vấn trước tiêm chủng dường như bị bỏ qua. Bác sĩ chỉ hỏi qua loa về việc cháu mấy tháng tuổi, có đang bị bệnh gì không rồi cho vào phòng tiêm luôn. Không biết như vậy có đúng quy trình và có ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu không?

Đến 8 giờ kém sáng cùng ngày, sau khi được thắc mắc về quy trình tiêm chủng an toàn, các y, bác sĩ nơi đây mới bắt đầu đi lấy ống nghe và khám sàng lọc cho các cháu. Trạm y tế xã Nghĩa Hà mỗi tháng thực hiện tiêm chủng cho gần 200 trẻ. Với tình trạng tiêm chủng không đúng quy trình như vậy, những rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Không riêng điểm tiêm chủng ở xã Nghĩa Hà, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tiếp diễn tình trạng tiêm chủng mất trật tự và không đúng quy trình. Bà Nguyễn Thị Thu Lựu ngụ ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) đưa cháu đi tiêm vắc xin ngừa lao cho cháu bé vừa tròn 1 tháng tuổi cho biết: Trạm y tế xã Hành Thuận có diện tích nhỏ, bàn ghế thiếu trầm trọng nên mỗi khi bế cháu đi tiêm tôi cũng thấy bất tiện. Cảnh người đứng, người ngồi ra vào là việc xảy ra rất thường xuyên. Người đông nên chờ lâu, cứ mỗi lần như vậy thì mệt cho cả người lớn lẫn trẻ con.

“Không chỉ vậy, sau khi tiêm, bác sĩ yêu cầu tôi bế cháu ở lại 30 phút để theo dõi cháu có bị sốc thuốc hay không. Nhưng làm gì có chỗ ngồi chờ, đứng mãi cũng mỏi nên tôi chỉ mong chích thuốc xong rồi ôm cháu về nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Nghe tin nhiều trẻ vì tiêm chủng mà gặp tai biến, tử vong cũng khá lo lắng. Tôi chỉ mong sao, cấp trên quan tâm việc tổ chức bố trí tiêm phòng hợp lý, ổn định để đảm bảo sức khỏe cho các cháu.”- Bà Định nói thêm.

Tiêm phòng cho trẻ là quy trình bắt buộc để tránh các bệnh trẻ em hay gặp. Mỗi tháng, Quảng Ngãi triển khai tiêm phòng 8 loại vacxin cho khoảng 12 nghìn lượt trẻ em. Tuy nhiên, số lượng trẻ tập trung cùng lúc quá đông, cơ sở vật chất thiếu thốn, công tác tổ chức chưa tốt gây khó khăn cho việc tiêm chủng. Đặc biệt, nhiều vụ việc gây tử vong cho trẻ em trong quá trình tiêm chủng lại càng gây lo ngại cho người dân khi đưa trẻ đến các trạm y tế tiêm ngừa.

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.