Bài thuốc trị hen phế quản

02:06, 18/06/2013
.

Trong y học cổ truyền, hen phế quản thuộc phạm vi của chứng háo suyễn. Nguyên nhân gây bệnh gồm có ngoại tà xâm nhập, đàm thấp ứ trệ, phế thận hư nhược. Xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y thường dùng trong điều trị hen phế quản tùy theo từng thể bệnh.

Hen phế quản thể thực chứng

Người bệnh xuất hiện cơn khó thở, khó thở thì thở ra, tức ngực, có thể ho và khạc ra đờm loãng trắng, cảm giác lạnh, đau đầu, không ra mồ hôi, miệng không khát, chất lưỡi nhợt, mạch huyền tế. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: tô tử 12g, hậu phác 8g, quất bì 8g, quế chi 8g, bán hạ chế 8g, ngải cứu 12g, đương quy 10g, gừng 4g, tiền hồ 10g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: ma hoàng 8g, quế chi 8g, bán hạ chế 10g, cam thảo 6g, can khương 4g, tế tân 4g, ngũ vị tử 6g, hạnh nhân 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Nếu người bệnh xuất hiện cơn khó thở, khó thở thì thở ra, tiếng thở thô, thậm chí cánh mũi phập phồng, ho, khạc đờm vàng, dính, đặc, miệng khát, thích uống nước mát, ngực tức, phiền táo, ra mồ hôi. Toàn thân có thể có sốt, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Bài 1: ma hoàng 8g, xạ can 10g, thạch cao 12g, hạnh nhân 10g, gừng tươi 4g, tô tử 8g, đại táo 12g, đình lịch tử 8g, bán hạ chế 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, bán hạ chế 10g, trúc lịch 12g, cam thảo 6g, hoàng  cầm 12g, tang bạch bì 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Nếu đờm nhiều gia xạ can 8g, đình lịch tử 10g.

Nếu ho đờm vàng thêm ngư tinh thảo 16g.

Nếu sốt cao thêm thạch cao 12g.

Nếu người bệnh xuất hiện cơn khó thở, khó thở thì thở ra. Ho đờm nhiều và dính, khó khạc, nghe trong họng có tiếng đờm lọc xọc, ngực đầy tức, nôn mửa, ăn kém, miệng nhạt, chất lưỡi trắng nhờn, mạch hoạt.

Bài thuốc: ma hoàng 8g, hạnh nhân 12g, cam thảo 6g, phục linh 16g, bán hạ chế 12g, trần bì 8g, tô tử 10g, bạch giới tử 12g, lai phục tử 12g, thương truật 16g, hậu phác 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Nếu thấp đàm hóa nhiệt dẫn tới ho đờm vàng, đặc, lượng nhiều, mặt đỏ, miệng khô, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác, thì gia tri mẫu 12g, qua lâu 8g.

Nếu đờm nhiều, gây khó thở, bệnh nhân không nằm được thì gia thêm đình lịch tử 10g để tả phế, trục đàm.
 



Hen phế quản thể hư chứng

 Hen phế quản mạn tính hay hen phế quản ngoài cơn thuộc hư chứng trong y học cổ truyền. Trên lâm sàng được chia 2 thể: thể phế hư và thể thận hư.

Thể phế hư: Thường gặp ở người hen phế quản lâu ngày dẫn đến tình trạng khí phế thũng, chức năng hô hấp giảm, thường là vào thời kỳ đầu của tâm phế mạn tính.

Triệu chứng: Người bệnh khó thở, tiếng nói, tiếng ho, tiếng thở nghe nhỏ yếu, ho có thể khạc ra nhiều đờm trắng loãng. Sắc mặt trắng khi thay đổi thời tiết dễ tái phát cơn hen, tự ra mồ hôi, sợ gió, hay chảy nước mũi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu hoãn, vô lực. Nếu thiên về phế âm hư thì ho khan, ít đờm, miệng khô, họng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.

Bài thuốc: đẳng sâm (hoặc nhân sâm) 16g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Nếu thiên về phế âm hư thì gia thêm: sa sâm 10g, ngọc trúc 10g, xuyên bối mẫu 8g để nhuận phế, hóa đàm.

Nếu nôn ra đờm loãng, cảm giác cơ thể lạnh, miệng không khát là tình trạng phế hư có hàn thì bỏ mạch môn, gia hoàng kỳ 12g, quế chi 6g, cam thảo 6g để ôn phế, ích khí.

Thể thận hư: Do thận âm hư hay thận dương hư làm suy giảm chức năng nạp khí của tạng thận.  Biểu hiện: bệnh hen phế quản đã kéo dài, người bệnh thường xuyên có cảm giác khó thở khi vận động, lao lực một chút thì khó thở tăng lên, người gầy, tinh thần mỏi mệt

Thiên về thận dương hư thì  tay chân lạnh, sắc mặt xanh trắng, đại tiện nát, có thể phù nhẹ, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế.

Bài thuốc: thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, trạch tả 8g, đan bì 8g, phục linh 12g, hắc phụ tử 8g, nhục quế 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Có thể dùng dưới dạng viên hoàn, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần uống.

Thiên về thận âm hư: đau lưng, mỏi gối, chóng mặt, ù tai, miệng khô, họng khô, lòng bàn chân bàn tay nóng, đại tiện nát, chất lưỡi đỏ khô, ít rêu, mạch tế sác.

Bài thuốc: thục địa 16g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, phục linh 12g, trạch tả 8g, đan bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Có thể dùng dưới dạng viên hoàn, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần uống.

Nếu biểu hiện tình trạng âm hư rõ thì gia thêm ngũ vị tử 8g, mạch môn 10g.          
 

Theo ThS.BS. Trần Thái Hà/SK&ĐS


 


.