Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh: Tất cả vì người bệnh

03:03, 07/03/2013
.

(QNg)- Những năm qua, nhờ sự đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, chú trọng phát triển nhân lực nên việc khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh đã có những chuyển biến tích cực, trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN


Làm việc với chúng tôi, ông Đặng Tuấn Lộc- Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Sơn Tịnh chia sẻ: "Y đức đôi khi không phải là những gì cao siêu, mà bắt đầu từ những điều dù nhỏ nhất. Từ giao tiếp, hướng dẫn, chăm sóc, chia sẻ cùng người bệnh. Và điều này đã được tập thể cán bộ đơn vị thực hiện khá nghiêm túc".

Y đức thể hiện từ những điều nhỏ nhất

Tại khu vực hành chính- bộ mặt của bệnh viện, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được đó là sự thân thiện. Từ sự ân cần tiếp đón đến giải thích hướng dẫn tận tình cho bệnh nhân và người nhà của họ được các nhân viên thể hiện khá nhiệt tình. Còn tại Khoa hồi sức tích cực chống độc-nơi giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng với tấm lòng “lương y như từ mẫu", các y, bác sĩ tận tình chăm sóc người bệnh như người thân của mình nên đã phần nào làm vơi đi nỗi lo lắng của người nhà bệnh nhân. Các chị điều dưỡng đã ân cần bón từng thìa sữa, vệ sinh cho người bệnh và dìu người bệnh tập từng bước đi.

 

Y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Chống độc thăm khám, chăm sóc bệnh nhân.
Y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Chống độc thăm khám, chăm sóc bệnh nhân.


Chúng tôi thật sự cảm động khi tận mắt chứng kiến các điều dưỡng ở đây làm vệ sinh cho cụ Võ Thị Có (75 tuổi) ở xã Tịnh Kỳ. Cụ Có bị tai biến, lúc nhập viện, cụ Có chỉ sống thực vật, người nhà định đưa về lo hậu sự. Nhưng các y, bác sĩ ở đây giải thích và động viên người nhà để lại cứu chữa, nên đến nay bệnh tình của cụ đã có nhiều tiến triển. Còn sản phụ Trần Thị Thương nhập viện trong tình trạng mất máu nhiều do băng huyết, trong khi nguồn máu ở bệnh viện không đủ. Giữa lúc tính mạng chị Thương đang hiểm nguy thì nữ hộ sinh Phan Thị Thanh Huyền xin được hiến những giọt máu nghĩa tình cho chị Thương. Đây cũng không phải là lần đầu tiên chị Huyền có nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc.

"Hằng năm, đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh viện hiến từ 8-10 đơn vị máu. Đầu năm 2013, bệnh viện đăng ký 15 đơn vị máu, nhưng số lượng tham gia tới 18 đơn vị. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện y đức của người thầy thuốc, nên chúng tôi luôn duy trì thường xuyên"- bác sĩ Lộc nói.

Đầu tư phát triển toàn diện

Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh được tái thành lập từ năm 2007, với quy mô 160 giường bệnh, ở 14 khoa, phòng và 133 cán bộ, nhân viên. Từ 2008 đến nay, được sự quan tâm đầu tư của cấp trên và phát huy nội lực, Bệnh viện đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị mới, hiện đại và đã phát huy được hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Năm 2012, Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thu dung điều trị với tổng số hơn 240 nghìn lượt bệnh nhân đến khám, điều trị tại đơn vị. Trong đó, hầu hết các chỉ tiêu như:  Khám, điều trị, tỷ lệ sử dụng giường, ngày nằm điều trị trung bình, tỷ lệ khỏi bệnh... đều đạt và vượt cao so với quy định.

Bệnh viện đã tập trung đầu tư phát triển theo hướng chuyên sâu, bằng việc chăm lo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng cao của người dân. Hàng năm, bệnh viện đều cử y bác sĩ, kỹ thuật viên đi đào tạo, tập huấn tại các nhà trường, học viện, các bệnh viện tuyến trên. Nhờ làm chủ trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bệnh viện đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp, mang lại niềm tin cho người bệnh.

Bác sĩ Lộc chia sẻ: "Chúng tôi luôn quán triệt đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị phải giữ gìn y đức. Lúc người dân đau ốm mới tìm đến bệnh viện, đến bác sĩ để được giúp đỡ, chia sẻ thì y đức càng phải được nâng niu, coi trọng hơn". Cùng với gìn giữ y đức, đội ngũ những người chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở đây còn thường xuyên học hỏi nâng cao trình độ tay nghề trong việc khám, chữa bệnh, tạo niềm tin yêu trong nhân dân. Niềm tin ấy mỗi ngày đang lớn dần với hầu hết bệnh nhân và họ chỉ chịu chuyển viện lên tuyến trên khi bệnh tình quá nặng hoặc khi Bệnh viện huyện không có trang thiết bị để điều trị. Nhờ đó, năm 2012 đơn vị được nhận cờ thi đua của Bộ Y tế.
            

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.