Làng sức khỏe

09:12, 18/12/2012
.

(QNg)- Về thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) hôm nay, đâu đâu cũng thấy những con ngõ sạch đẹp uốn lượn bao bọc những ngôi nhà thoáng đãng, đầy cây xanh. Tình trạng uống rượu, hút thuốc giảm hẳn, các bệnh dịch tả không xảy ra, phụ nữ có thai và trẻ em được chăm sóc sức khỏe chu đáo, sức khỏe người dân trong thôn ngày một tốt hơn.

Thôn Đại An Đông 1 luôn là thôn văn hóa trong 10 năm liền, 100% gia đình đạt gia đình văn hóa. Vì vậy nhận thức của người dân nơi đây rất tốt, dễ dàng trong việc tuyên truyền vận động, thực hiện tốt các mô hình điểm. Hiện nay toàn thôn có 334 hộ với 1.385 khẩu, tất cả đều đăng ký gia đình sức khỏe. Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình đến nay đã có 324 hộ được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp Bằng công nhận "Gia đình sức khỏe". Mỗi nhà trong thôn đều có một tủ thuốc gia đình với những loại thông thường, mỗi khi có tai nạn thương tích đều có thuốc sơ cứu kịp thời.

 

Người dân
Người dân "làng sức khỏe" thu gom, phân loại rác trước khi đốt.


"Nhờ thường xuyên tuyên truyền vận động 8 tiêu chí về gia đình sức khỏe nên tất cả người dân trong thôn đều thuộc lòng và làm tốt. Mỗi người dân ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh tại gia đình, ở khu dân cư như: Tự giác úp các chum, lọ hay các vật dụng có thể chứa nước mưa để lăng quăng, bọ gậy không có nơi phát triển. Đối với những nhà có chậu kiểng thì phải thả cá hay đổ vôi để diệt lăng quăng, bọ gậy. Đồng thời chính quyền và các đoàn thể còn vận động bà con thường xuyên phát quang, thu gom rác thải để đốt, tạo môi trường sạch đẹp, thoáng mát", chị Trần Thị Mười - Trưởng thôn Đại An Đông 1 cho biết.

Để minh chứng cho những lời nói của mình, chị Mười đã dẫn chúng tôi đến "tham quan" một số gia đình trong thôn. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là tất cả đều rất sạch sẽ, thoáng mát, trong vườn không có bất cứ một chai lọ hay bao ni lông, giấy rác gì. Bà Võ Thị Phong, một người dân của thôn Đại An Đông 1 chia sẻ: Những rác sinh hoạt hằng ngày tôi đều phân loại và bỏ vào thùng, bao rác riêng để đốt. Giữ gìn vệ sinh xung quanh cũng chính là bảo vệ cho chính mình, cho gia đình mình.

Không chỉ có tủ thuốc gia đình trong nhà mà nhiều hộ trong thôn còn dành một góc trong vườn nhà mình để trồng một số loại cây thuốc nam như ngải cứu, đinh lăng, tía tô, sống đời, sả… hay trồng một số loại rau để sử dụng trong gia đình. Nhiều gia đình còn trồng cây cảnh để tạo môi trường xanh, mát mẻ; chủ động rèn luyện thân thể, tự chăm lo sức khoẻ, phòng chống các tệ nạn xã hội... Đặc biệt, từ khi thực hiện mô hình làng sức khỏe đến nay trong thôn không xảy ra ca sốt xuất huyết nào, không có trường hợp suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, tình trạng uống rượu, hút thuốc giảm hẳn; 100% trường hợp sinh đẻ tại cơ sở y tế; gần 100% số hộ gia đình có 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

"Với những lợi ích mà mô hình làng sức khỏe mang lại, trong thời gian tới xã Hành Thuận mong muốn được ngành y tế quan tâm hơn nữa để xã có điều kiện tiếp tục nhân rộng mô hình, đem lại sức khỏe cho người dân. Thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn sức khoẻ trong cộng đồng dân cư, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chính là thực hiện nếp sống văn minh, góp phần xây dựng nông thôn mới", ông Nguyễn Hữu Lệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thuận cho biết.


     Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.