Phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm: Cần bắt đầu từ cán bộ thú y cơ sở

09:11, 16/11/2012
.

(QNg)- Năm nào cũng vậy, không ít thì nhiều Quảng Ngãi luôn xuất hiện những đợt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Nguyên nhân và cách phòng, chống thì đã được các cấp, ngành và người dân nói nhiều. Nhưng hiếm khi, chúng ta thật sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ thú y ở cơ sở, những người đầu tiên tiếp xúc với dịch bệnh. Các chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn thấp đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả ngăn ngừa dịch bùng phát ở các địa phương.

TIN LIÊN QUAN


Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, năm 2011, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra ở  74 xã của 12 huyện, làm hơn 2.700 con gia súc mắc bệnh và có 224 con chết và tiêu hủy, gây thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Còn năm 2012, chỉ tính riêng tháng 8, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại 17 xã trên địa bàn 4 huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Bình Sơn và Sơn Tịnh, khiến cho hàng chục ngàn con vịt mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Thường thì các đợt dịch này diễn ra rất "bất ngờ", nên cơ quan chức năng và người dân "trở tay không kịp".

 

Cán bộ thú y cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.
Cán bộ thú y cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.


Số lượng gia súc và gia cầm trên địa bàn Quảng Ngãi hiện đã lên đến gần 5 triệu con. Trong khi đó, với tập quán canh tác thả rông trâu, bò, gà, vịt… nên dịch thường xuyên có nguy cơ bùng phát cao. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành thú y đã phối hợp với các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp như khử trùng, tiêu độc ổ dịch, lập chốt kiểm soát. Tuy nhiên, qua công tác phòng, chống dịch cũng chỉ ra những tồn tại của thú y cơ sở.

Việc chống dịch hiệu quả có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ thú y ở cơ sở. Vì đây là lực lượng bám sát địa bàn nhất, nên họ là những người đầu tiên phát hiện và dập dịch. Tuy nhiên, thực trạng đội ngũ thú y cơ sở còn hạn chế về năng lực, trình độ, lực lượng mỏng đang là vấn đề được các địa phương quan tâm. Ông Võ Văn Ngọc- Trưởng Trạm thú y huyện Nghĩa Hành, chia sẻ: 12 xã, thị trấn trong huyện đều có 1 cán bộ thú y chuyên trách. Trong đó, 10 người có trình độ trung cấp và 2 người trình độ sơ cấp. Trạm Thú y huyện đã thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ và kêu gọi các trưởng thôn cùng tham gia vào công tác tiêm phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Nhưng vì số lượng đàn bò quá lớn, dao động từ 900 đến gần 4.000 con ở mỗi xã, thị trấn mà lực lượng thú y lại quá mỏng.

Hiện nay, mỗi xã trong tỉnh đều có một cán bộ thú y chuyên trách, được ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 0,9 mức lương tối thiểu Nhà nước quy định. Ngoài thú y xã, thú y thôn hầu như không còn nữa. Thu nhập thấp đã khiến nhiệt huyết với công việc của đội ngũ cán bộ thú y cơ sở bị ảnh hưởng đáng kể.

Ông Nguyễn Chơn- Cán bộ thú y xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), cho hay: Hơn 20 năm gắn bó với công tác thú y tại địa phương, nhưng thu nhập vẫn còn thấp quá. Trong khi đó, đàn gia súc, gia cầm ở địa phương ngày một tăng. Đó là chưa kể đến ý thức phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của người dân trong xã chưa cao nên gặp nhiều khó khăn khi triển khai  các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của ngành thú y. Với cán bộ thú y của các huyện đồng bằng đã vậy, đội ngũ cán bộ thú y ở các huyện miền núi còn khó khăn gấp bội. Đặc thù ở các huyện miền núi là địa hình hiểm trở, dân cư sống không tập trung, tập tục chăn nuôi của đồng bào còn lạc hậu nên với số tiền hỗ trợ chưa đến 1 triệu đồng/tháng thì cán bộ thú y có lẽ chỉ đủ... đổ xăng.

Từ thực tế trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý, tạo điều kiện nâng cao thu nhập; đồng thời thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ thú y cơ sở để gắn kết trách nhiệm, khuyến khích lực lượng này gắn bó với công việc.


Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN
 


.