Phập phồng cấp cứu bệnh nhân trên đảo Bé

09:11, 28/11/2012
.

(QNg)- Sống giữa trùng khơi mênh mông nước, người dân đảo Bé (An Bình, Lý Sơn) gặp rất nhiều khó khăn. Nỗi lo lớn nhất của người dân là mỗi khi trên đảo có người bệnh cần cấp cứu.

TIN LIÊN QUAN


Trạm y tế thiếu thốn

Đảo Bé có hơn 500 dân. Để vào đất liền người dân phải di chuyển qua hai lần tàu, do vậy hầu hết người dân trên đảo khi trò chuyện đều bảo: Sống được là nhờ trời thương tình. Nói vậy bởi mỗi khi mùa mưa bão đến chỉ cần biển động cấp 5 là coi như con đường giao thương ra bên ngoài của người dân bị cắt đứt.

 

Bác sĩ đang khám bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế quân dân y trên đảo lớn.
Bác sĩ đang khám bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế quân dân y trên đảo lớn.


Việc đầu tư xây dựng trạm y tế ngay trên đảo và đưa cán bộ y tế về cắm chốt nơi đất đảo tiền tiêu là vô cùng cần thiết. Nhờ đó từ hơn mười năm trước một trạm y tế "hoành tráng" đã mọc lên. Thế nhưng sau chừng ấy thời gian hai dãy nhà dành cho việc khám chữa bệnh và nhà ở của các nhân viên y tế đã xuống cấp nghiêm trọng.

Dẫn chúng tôi khảo sát trạm y tế, điều dưỡng Lê Thị Thảo chỉ tay về phía bức tường loang lỗ những vết nứt cho biết, mặc dù trạm y tế được xây dựng kiên cố, nhưng do nằm giữa biển nên thường xuyên bị hơi nước biển ăn mòn khiến cho lớp xi măng kết dính bị nứt dần theo năm tháng. "Ngày trước có xuất hiện vết nứt, sau đó thêm nhiều vết nứt khác ngày một nhiều hơn. Nhưng dãy nhà bị nứt nặng nhất là vào trận bão số 9 năm 2010"-chị Thảo nói.

Không chỉ tường nhà hư hỏng mà phần mái tôn xi măng do bão số 9 cuốn phăng đi mất một phần nên từ phòng khám nhìn ngược lên trống huơ trống hoác, phần nền xi măng cũng bị nứt theo. Mới đây, huyện Lý Sơn đầu tư sửa chữa lại trạm. Tuy nhiên trạm vẫn quá nhỏ bé và không thể đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh của người dân nơi đây.

Cấp cứu cách trở đò giang

Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu cảng để tàu thuyền cập bến, giúp người dân dễ dàng hơn trong việc đi lại. Thế nhưng do vùng biển quanh đảo toàn đá ngầm nên không thể xây dựng được cảng nước sâu có thể cho thuyền lớn cập cảng được.

Để đưa một ca cấp cứu từ đảo Bé vào đảo lớn người bệnh đành phải di chuyển trên một chiếc tàu khách cỡ nhỏ và chỉ đi lại trong thời tiết thuận lợi. Một khi biển động thì việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên là không thể.
Cách đây không lâu, anh Nguyễn Hữu Thọ (47 tuổi) bị tai biến và cần cấp cứu, nhưng do biển động nên mất hai ngày sau người nhà mới đưa được anh Thọ vào Trung tâm y tế quân dân y huyện Lý Sơn thì bệnh tình đã quá nặng khiến cho anh Thọ bị liệt nửa người cho đến giờ.

 "Ở đây chúng tôi có ba người nhưng thiếu thốn về dụng cụ, trang thiết bị y tế nên rất khó khăn trong công tác chăm sóc người bệnh. Nhiều lúc thấy người dân mình mang người bệnh đến mà mình bất lực phải chuyển lên tuyến trên, thấy vậy mà buồn vì đi lại rất tốn kém, trong khi người dân mình còn nghèo lắm" - chị Thảo tâm sự.

Bà Trần Thị Thinh, một bệnh nhân đang được khám bệnh tại trạm cho biết, để chuyển một ca bệnh vào đất liền, người bệnh phải mất ít nhất… 20 triệu đồng tiền vận chuyển. "Đó là chưa kể các khoản chi phí khác. Vì thuê một chuyến tàu vào đảo lớn đã mất 800 ngàn đồng. Còn từ đảo lớn vào đất liền nếu đau… không trúng giờ như lúc nửa đêm hay buổi chiều thì phải thuê nguyên chiếc tàu cao tốc có giá gần 20 triệu đồng cho một lần. Mà người dân chúng tôi làm gì có tiền mà thuê nổi chiếc tàu chứ. Bệnh nặng thì coi như là chờ chết" - bà Thinh tâm sự.

Theo bác sĩ Dương Tiến Thuận - Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Lý Sơn, mặc dù đã tập trung đầu tư đội ngũ y bác sĩ và cơ sở vật chất, tuy nhiên việc khám chữa bệnh cho người dân trên đảo nói chung và đảo Bé nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn. "Nói chi đảo Bé, ngay ở đảo lớn nhưng người bệnh cũng luôn ở trong tình trạng sẵn sàng lên đường vào đất liền nếu như bệnh trở nặng. Trang thiết bị y tế còn thiếu nhiều lắm.

Giả sử nếu có bệnh nhân cần phẫu thuật thì không thể được do nguồn máu dự trữ không có. Nhiều trường hợp khác cũng phải chuyển viện nếu tình trạng bệnh nguy cấp. Còn chuyện khám chữa bệnh trên đảo Bé, do quá độc đạo về mặt địa lý nên chúng tôi cũng thường xuyên cử bác sĩ sang theo định kỳ, nhưng vào mùa mưa bão chỉ tranh thủ lúc nào biển êm mới dám qua" - bác sĩ Thuận cho biết.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.