Dùng thuốc trị viêm mũi, chớ tưởng dễ

07:09, 29/09/2012
.

Thời tiết giao mùa là lúc thuận lợi cho viêm mũi phát triển. Khi nào thì cần dùng thuốc và dùng thuốc như thế nào để hiệu quả là điều bệnh nhân luôn quan tâm.

Viêm mũi xoang do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến là do dị ứng, nhiễm khuẩn, viêm mũi do dùng thuốc…


Về điều trị, tùy theo nguyên nhân bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc thích hợp. Với những trường hợp viêm mũi do cảm cúm, nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, chlorpheniramine, giảm đau, thuốc chống dị ứng. Còn viêm mũi do nhiễm khuẩn thì bác sĩ mới chỉ định cho dùng kháng sinh.
 

 Viêm mũi dị ứng - bệnh hay tái phát và phải dùng phối hợp  nhiều loại thuốc để điều trị bệnh
Viêm mũi dị ứng - bệnh hay tái phát và phải dùng phối hợp nhiều loại thuốc để điều trị bệnh


Một số thuốc thường dùng trong bệnh viêm mũi xoang

Thuốc trị dị ứng:

Các kháng histamin là một trong những chất sinh học trung gian giữ vai trò quan trọng trong sốc phản vệ và phản ứng dị ứng. Các loại thuốc trong nhóm này như chlorpheniramin, promethazin, acrivastin, levocetirizine, loratadine... rất hiệu quả khi điều trị triệu chứng dị ứng như ho, sổ mũi nước, nổi mề đay, ngứa... Thuốc gây buồn ngủ (chlorpheniramin), do đó, cần tránh sử dụng khi làm việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo (lái xe) và không uống rượu khi đang phải dùng thuốc.
 
Một số thuốc trị dị ứng (phenylpropanolamin, ephedrin, pseudoephedrin) còn có hoạt chất làm co mạch, chống sung huyết ở niêm mạc mũi, do đó, người bị tăng huyết áp và trẻ em nên tránh dùng. Tuy thuốc có tác dụng rất tốt điều trị triệu chứng dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi. Do vậy, cần phối hợp với các thuốc điều trị nghẹt mũi.
Thuốc thông mũi, điều trị nghẹt mũi:

Để trị nghẹt mũi có thể dùng một số thuốc làm giảm xung huyết có tác dụng tại chỗ dưới dạng nhỏ mũi hay khí dung xịt vào mũi. Những dạng thuốc này gồm các hoạt chất như: naphtazolin, xylometazolin, oxymetazolin. Thuốc có tác dụng nhanh, duy trì trong nhiều giờ, vì thế, mỗi ngày chỉ nên nhỏ từ 2 - 3 lần và chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày, tránh dùng kéo dài vì sẽ có tác dụng ngược, làm mũi bị nghẹt nhiều hơn.

Thuốc không nên dùng cho người tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mạch nhanh, người bị viêm mũi mạn tính.

Ngoài ra, có một số hoạt chất được phối hợp với các thuốc khác trong điều trị triệu chứng cảm cúm có sổ mũi, nghẹt mũi, đó là phenylpropanolamin, pseudoephedrin. Những chất này có hoạt tính cường giao cảm giống như ephedrin nhưng tác dụng co mạch của nó mạnh hơn. Với các thuốc này, những người bị cao huyết áp, tăng nhãn áp, cường giáp, phì đại tiền liệt tuyến, đái tháo đường cần thận trọng khi dùng.

Thuốc gây một vài tác dụng phụ như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực… Phenylpropanolamin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp.

Thuốc corticoid uống hoặc xịt: Thuốc xịt mũi có corticoid là hiệu quả nhất trong việc điều trị tất cả các thể viêm mũi xoang mạn tính. Thuốc làm giảm tất cả các triệu chứng như ngứa niêm mạc mũi xoang, do đó làm thông mũi và giải quyết ứ tắc xoang. Thuốc này tương đối an toàn khi sử dụng lâu dài do ít bị hấp thu vào máu. Corticosteroid uống hiệu quả nhưng ít được sử dụng vì có nhiều tác dụng phụ độc hại như gây loãng xương, suy thượng thận (cushing do thuốc), viêm loét dạ dày tá tràng... chỉ nên dùng trong trường hợp viêm mũi xoang nặng với thời gian ngắn khoảng từ 3-7 ngày.

Thuốc rửa mũi: Dùng dung dịch nước muối loãng hoặc NaCl 0,9% để rửa mũi bằng cách cho dung dịch nước muối 0,9% vào lọ nhựa sạch (neti pot) rồi nhỏ vài giọt vào hốc mũi sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi, thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối.

Các thuốc kháng sinh: Việc dùng thuốc đúng, đủ và đều đặn có thể diệt được vi khuẩn. Ngược lại, nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, vi khuẩn sẽ nhờn thuốc, gây bùng phát bệnh trở lại. Khi bị viêm mũi có nhiễm khuẩn thì nên dùng các kháng sinh phổ rộng như cefaclor, augmentin, zinnat, tuy nhiên, dùng thuốc khi nào phải theo chỉ định của bác sĩ.

 


 Theo ThS.Nguyễn Thu Hiền - Sức khỏe & Đời sống


.