Chăm sóc và phòng chống tiêu chảy cấp ở trẻ em

08:09, 20/09/2012
.

(QNg)- Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh và tử vong cao ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hàng năm trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ lượt trẻ em dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy và 4 triệu trẻ em bị tử vong do bệnh này. Tại Việt Nam, trên 50% bệnh nhân nhập viện liên quan đến tiêu chảy. Thông thường một trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc 2 - 3 lần/năm.
 

Rửa tay bằng xà phòng và đầy đủ nước để rửa là biện pháp phòng bệnh tiêu chảy. Ảnh minh hoa
Rửa tay bằng xà phòng và đầy đủ nước để rửa là biện pháp phòng bệnh tiêu chảy. Ảnh minh hoạ


Tác nhân gây bệnh và hậu quả của tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là đi ngoài phân lỏng bất thường 3 lần trở lên trong 24 giờ. Tính chất lỏng của phân quan trọng hơn số lần; đi cầu phân đờøm máu dù chỉ một lần và cũng không lỏng lắm vẫn được gọi là tiêu chảy. Tiêu chảy cấp ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm, có tính lây lan nhanh trong cộng đồng. Bệnh lây qua đường tiêu hoá. Mầm bệnh có ở trong phân của trẻ bị bệnh nhiễm vào thức ăn, nước uống, bàn tay. Theo đó, mầm bệnh đi qua đường miệng, xâm nhập vào cơ thể gây tiêu chảy cấp.

 Tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường là do virus: Rotavirus, Adenovirus, Enterovirus. Vi khuẩn: Ecoli, Giardia, Cryptoporidium. Khi bị tiêu chảy trẻ thường kèm theo mất nước, mất điện giải, không hấp thu được các chất dinh dưỡng. Vì vậy rất dễ gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tiêu chảy cấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ, hoặc để lại hậu quả suy dinh dưỡng, nhiễm trùng tiêu hóa nhiều lần có tác hại lâu dài lên sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi.

Điều trị tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy phần lớn là điều trị và chăm sóc tại nhà. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ bị nhiễm khuẩn nặng, đi phân có máu- nhầy, có dấu hiệu mất nước, trẻ dưới 4 tháng tuổi. Bước tiến quan trọng trong xử lý tiêu chảy cấp là "bù nước điện giải bằng đường uống". Mục đích chính của việc điều trị là phải phục hồi cân nặng và chức năng của ruột để giảm tỉ lệ nhập viện, tỉ lệ tử vong, tỉ lệ suy dinh dưỡng và ngăn ngừa bệnh tiêu chảy kéo dài nặng.

Cần cung cấp đủ lượng dịch sớm để phòng và điều trị mất nước; sử dụng phác đồ điều trị hiệu quả; phải có chế độ dinh dưỡng đúng trong và sau khi tiêu chảy, ăn đầy đủ các nhóm chất; bổ sung vitamin, khoáng chất. Lưu ý dùng kháng sinh khi có tiêu chảy phân máu, nghi ngờ tả có mất nước nặng và có xét nghiệm xác định nhiễm Giardia, Amip.

Trong quá trình điều trị phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ; không được tự ý dùng kháng sinh - dùng thuốc cầm ỉa; không ăn kiêng, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày; cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, nấu kỹ đảm bảo vệ sinh, cho uống thêm nước hoa quả, tránh dùng thực phẩm có gas, đầy bụng khó tiêu... Lưu ý sau khi trẻ khỏi bệnh cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa kéo dài trong 1 tháng để phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ.

Phòng bệnh tiêu chảy

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến tròn 2 tuổi. Khi trẻ đủ 6 tháng tuổi cho ăn dặm đầy đủ các nhóm chất, thêm dầu vào bữa ăn. Phải sử dụng nguồn nước sạch, nước phải đun sôi. Rửa tay bằng xà phòng và đầy đủ nước để rửa là biện pháp phòng bệnh hữu ích nhất, được coi là "vaccin tự thân", làm giảm 47% các bệnh liên quan đến tiêu chảy và giảm 34% các bệnh nhiễm trùng khác. Rửa tay sau khi đi ngoài, sau khi vệ sinh, dọn phân cho trẻ, trước khi chuẩn bị thức ăn; vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Sử dụng thực phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến, bảo quản. Sử dụng hố xí và xử lý phân an toàn (vì trong phân trẻ em chứa nhiều tác nhân gây bệnh tiêu chảy). Tiêm cho trẻ đầy đủ các loại vaccin trong tiêm chủng mở rộng và Rotavirus.


Bs Lê Bích Phương
 


.