Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

04:08, 09/08/2012
.

(QNg)- Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm có thể gây dịch, nguyên nhân là do nhiễm vi rut Dengue. Nó được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn đốt. Hiện nay, trên thế giới chưa có văcxin tiêm phòng và thuốc điều trị SXH đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp chủ yếu phòng bệnh SXH là không để muỗi đốt, tiêu diệt muỗi, tiêu diệt lăng quăng, không để nơi cho muỗi sinh sản và phát triển...
 
 

Muỗi vằn - thủ phạm truyền bệnh SXH.

 Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm có thể gây dịch, nguyên nhân là do nhiễm vi rut Dengue, được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn đốt. Muỗi vằn có tên khoa học là Aedes, là côn trùng trung gian chủ yếu truyền bệnh SXH. Muỗi Aedes có 2 loại A. aegypti và A. albopictus. Muỗi vằn Ades aegypti là véc tơ chính trung gian truyền bệnh SXH ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sinh sống, hoạt động của loài muỗi này như thế nào thì rất nhiều người chưa hề biết đến. Chính vì vậy, bệnh sốt xuất huyết hàng năm vẫn cứ "đến hẹn lại lên", làm cho rất nhiều người mắc và tử vong, bệnh khó có khả năng ngăn chặn và kiểm soát một cách triệt để.

Trong khu vực sinh hoạt gia đình của chúng ta thường có rất nhiều nơi để muỗi vằn có thể đẻ trứng như bể chứa nước sinh hoạt, chum, vại, lu chứa nước ăn; lọ cắm hoa có nước bên trong; nơi chứa nước dội nhà vệ sinh; lốp xe bị đọng nước;  hộp lon chứa nước; vỏ dừa chứa nước; mảnh bát, chén vỡ có nước đọng; máng xối đọng nước; nóc xe hơi cũ ứ đọng nước, hầm và vũng xi măng ứ nước tại các công trình xây dựng, giếng nước cạn... Ngoài ra, còn rất nhiều vật dụng tương tự khác chứa nước hoặc có nước đọng sẽ là những nơi sinh sản lý tưởng của muỗi vằn.

Muỗi vằn chỉ đẻ ở các vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà và xung quanh nhà, nhất là những vật chứa có ánh sáng mặt trời chiếu rọi làm cho nước ấm. Muỗi đẻ trứng bám vào thành dụng cụ chứa nước, sau 3 ngày nở ra bọ gậy, 7 ngày sau bọ gậy nở ra lăng quăng và 3 - 4 ngày sau nở thành muỗi. Như vậy, từ trứng đến muỗi trưởng thành mất 12 - 14 ngày. Vòng đời của muỗi phụ thuộc loài và nhiệt độ, thay đổi từ vài ngày đến khoảng một tháng.

Mật độ muỗi vằn trong mỗi nhà, đặc biệt là trong vùng dịch, vào đầu và cuối mùa mưa hoặc những thời kì nắng nóng xen kẽ mưa rào thường rất cao. Chính áp lực mật độ cao cũng buộc chúng phải phân tán tìm mồi và gieo rắc mầm bệnh. Muỗi vằn có thể di chuyển đi các vùng khác nhau, dễ dàng làm SXH tăng nhanh thành dịch ở nhiều nơi cùng một lúc.


Muỗi vằn thích tìm vật chủ người trong nhà hoặc ngoài hiên nhà và chỉ trú đậu tiêu máu trong nhà, ít thấy muỗi tìm đốt người hay trú đậu ngoài, xa nhà. Ở trong nhà, muỗi vằn thích đậu trên các loại vải có màu sẫm, đậm, nhiều lông tơ mịn như áo len, quần jean và cũng thích trú đậu trên quần áo chưa giặt giũ, có mùi mồ hôi... Là loài muỗi rất tinh ranh, nhanh nhẹn, thường bay lượn sát chỗ người lớn lao động hay trẻ em sinh hoạt vui chơi. Khi có thời cơ, chúng đáp xuống, đậu lên chỗ da hở và hút máu, rồi bay đi rất nhanh. Muỗi A. aegypti nhiễm vi rút có khả năng truyền bệnh suốt đời.

Cách phòng bệnhsốt xuất huyết

Việt Nam được coi là vùng dịch SXH lưu hành. Địa phương thường xuất hiện SXH là các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ. Nhóm người có nguy cơ cao mắc SXH Dengue là trẻ em, người di cư hay du lịch đến từ vùng không lưu hành SXH, người dân sinh sống tại các khu đang đô thị hóa, đời sống kinh tế thấp kém, vùng có tập quán trữ nước và sử dụng nước không được kiểm soát, vùng có mật độ muỗi Aedes aegypti thường xuyên cao.

Hiện nay, chưa có văcxin tiêm phòng và thuốc điều trị SXH đặc hiệu. Vì vậy biện pháp chủ yếu phòng bệnh SXH là không để muỗi đốt, tiêu diệt muỗi, tiêu diệt lăng quăng; không để nơi cho muỗi sinh sản và phát triển.

Muốn không bị muỗi đốt thì cần mặc áo dài tay, đi tất, bịt mặt, nhất là khi đi làm vườn hoặc ở những nơi có nhiều muỗi. Phải hình thành cho mình một thói quen ngủ trong màn, kể cả ban ngày. Những bệnh nhân bị SXH càng cần phải được ngủ trong màn để đề phòng muỗi đốt và truyền bệnh cho người khác. Cũng có thể dùng các biện pháp xua đuổi muỗi như dùng quạt, nhang và hương xua đuổi muỗi, bôi thuốc lên da... để không cho muỗi đốt.


Tiêu diệt và không để nơi cho muỗi sinh sản, phát triển bằng cách dùng một số hoá chất để tiêu diệt muỗi; phun thuốc, tẩm mùng, màn bằng hoá chất. Phun thuốc diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn khi có xảy ra dịch. Dùng một số dụng cụ đơn giản để diệt muỗi như vợt điện, bẫy điện, đập muỗi...

Tiêu diệt bọ gậy hay lăng quăng một cách đơn giản như thả cá, lươn con... vào tất cả các dụng cụ chứa nước trong để diệt bọ gậy. Dùng Mesocyclops, các côn trùng thủy sinh thuộc họ corixidae để diệt lăng quăng. Súc rửa các dụng cụ chứa nước mỗi tuần một lần để loại bỏ lăng quăng.

Loại bỏ hoàn toàn những nơi sinh sản của muỗi bằng cách thường xuyên quét dọn, thu gom, hủy các dụng cụ chứa nước phế thải xung quanh nhà. Khai thông rãnh thoát nước, loại những vũng nước đọng và phát quang bụi rậm quanh nhà. Nên thay rửa chum, vại hàng tuần. Bỏ muối, dầu nhớt vào bát kê chân chạn, tủ đựng thức ăn. Các dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy kín... Biện pháp phòng bệnh SXH tích cực là làm sao để không còn chỗ cho muỗi đẻ, không còn lăng quăng thì không có SXH.


Trịnh Quang Vương
 


.