"Vượt cạn" nhờ cô đỡ

09:06, 19/06/2012
.

(QNg)- Dù được bà con ở các ngôi làng xa xôi, hẻo lánh biết ơn và xem như người mẹ, người bà thứ hai của những đứa con, đứa cháu mình, nhưng các cô đỡ nơi đây vẫn không dám vui với đặc ân ấy bởi cái suy nghĩ "không có chuyên môn, nhỡ đâu sơ sẩy…".  

Âm thầm, lặng lẽ đỡ đẻ bằng kinh nghiệm và trách nhiệm, nên dù ít hoặc chẳng được hưởng bất kỳ chế độ phụ cấp nào nhưng các cô đỡ vẫn vui vì bàn tay của mình đã giúp các sản phụ được "mẹ tròn con vuông", dù lắm lúc họ cũng toát mồ hôi vì những ca sinh khó.

Buồn vui "nghề" cô đỡ

Mới 28 tuổi nhưng Đinh Thị Lăng ở thôn 5, xã Sơn Bao (Sơn Hà) không nhớ mình làm cô đỡ được bao lâu rồi, chỉ biết rằng chị đến với nghề thật tình cờ và... oái ăm! Đó là một ngày tháng mười, đêm hôm khuya khoắc có người phụ nữ trong thôn chuyển dạ sinh con. Trời tối, lại đang mưa to gió mạnh nên họ không thể đến Trạm Y tế xã, mà phải cầu cứu chị Lăng bởi lúc đó, cô đang là y tế viên của thôn.

Tuyên truyền, vận động sản phụ ở vùng sâu, vùng xa đến các cơ sở y tế để kiểm tra thai kỳ và sinh đẻ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và hạn chế trẻ sơ sinh bị tử vong.
Tuyên truyền, vận động sản phụ ở vùng sâu, vùng xa đến các cơ sở y tế để kiểm tra thai kỳ và sinh đẻ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và hạn chế trẻ sơ sinh bị tử vong.

Khoác vội áo mưa lên người, chị Lăng chạy như bay đến nhà sản phụ. Lần đầu tiên đỡ đẻ, cô vừa sợ, vừa ngại nên chẳng biết bắt đầu từ đâu. Đã thế, mỗi khi nghe sản phụ thét lên vì đau đớn là chị Lăng lại cuống quýt, tay chân quỵnh quạng. "Lúc đó mình chẳng có gì ngoài chút kiến thức y tế sau mấy lần được tập huấn. May mà chị ấy sinh dễ, nên sau hai giờ vật lộn với cơn đau, họ được "mẹ tròn con vuông", chị Lăng nhớ lại. Sau lần đỡ đẻ bất đắc dĩ nhưng thành công ấy, chị Lăng được bà con trong thôn tin tưởng vì "cái tay nó hiền". Thế nên cứ có sản phụ nào "vượt cạn" mà "ngại" đến Trạm Y tế là họ lại tìm đến cô đỡ Đinh Thị Lăng.

Còn chị Đinh Thị Vinh ở thôn Làng Tranh Giữa, xã Long Sơn (Minh Long) lại gắn bó với nghề vì cái tiếng "mát tay" sau những lần đỡ đẻ cho chị em... trong gia đình! Để rồi từ đó, chị Vinh trở thành cô đỡ giúp các sản phụ ở cái thôn xa xôi, hẻo lánh này vượt cạn an toàn. Thấm thoắt nghiệp cô đỡ đã theo chị Vinh hơn chục năm có lẻ. Để rồi, cái cảm giác ngại ngùng của lần đỡ đẻ đầu tiên không còn, mà thay vào đó là một cô đỡ Vinh kinh nghiệm và từng trải hơn. Nhưng có một điều mà ít ai biết được, là lắm lúc những cô đỡ như chị Vinh đã phải đánh cược mạng sống của mẹ con sản phụ với may mắn! Đó là những trường hợp người đẻ ngược, hoặc bị băng huyết do biến chứng. "Một lần, tay chân đứa bé đã... chào đời, nhưng cái đầu thì vẫn ngoan cố ở với mẹ. Sợ để lâu trẻ sẽ bị ngạt nên mình phải dùng tay xử lý mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Rất may là chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra", chị Vinh nhớ lại một ca đỡ "thót tim" của mình.    

Hoàn thiện mạng lưới y tế từ… cô đỡ

Không thể phủ nhận vai trò của các cô đỡ đối với việc sinh nở của các sản phụ ở vùng sâu, vùng xa. Bởi trong khi đồng bào dân tộc chưa có thói quen đến Trạm Y tế, cùng với mạng lưới và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chưa thật sự phủ khắp đến những khu vực này, thì những cô đỡ chính là "vị cứu tinh" của họ. Tuy nhiên, vấn đề quan ngại là những cô đỡ này hầu như đỡ đẻ theo kinh nghiệm dân gian, mà chưa được đào tạo bài bản nên lúng túng khi xử lý những ca đẻ khó, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé. Mặt khác, vì nhận thức còn hạn chế nên đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, làng xa xôi vẫn còn nặng quan niệm rằng, người lạ chạm vào mình và đứa trẻ thì sẽ không tốt nên mới có chuyện nhiều người- rồi một mình "vượt cạn" ngay trên rừng!

Hiện nay, hầu hết những thôn, làng ở các xã thuộc huyện miền núi đều có lực lượng y tế viên thôn bản. Có người trong số này đã được Dự án đào tạo 500 cô đỡ thôn, cô đỡ người dân tộc thiểu số tài trợ kinh phí học tập 6 tháng tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Với những kiến thức và kỹ năng đỡ đẻ có được từ khóa học, những người này thực sự mang "ánh sáng y tế" về với  đồng bào các bản làng xa xôi. "Không chỉ can thiệp kịp thời cho các ca sinh đẻ, mà mình còn hướng dẫn các sản phụ cách vệ sinh và chăm sóc bé sau sinh; đồng thời tuyên truyền và vận động chị em năng đến Trạm Y tế hơn", cô đỡ Đinh Thị Phun ở thôn Làng Bung, xã Sơn Ba (Sơn Hà) cho hay.

Tuy nhiên, số cô đỡ kinh qua đào tạo rất ít, đã thế nhiều y tế thôn là nam nên việc đỡ đẻ cho chị em phụ nữ lại trông chờ vào các "mụ vườn". Đây là những người đỡ đẻ còn nặng quan niệm cũ nên không đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Và đã có nhiều trường hợp trẻ bị tử vong chỉ sau vài giờ lọt lòng do bị nhiễm trùng rốn, đẻ non, ngạt thở… nhưng cả "mụ vườn" và gia đình đều cho rằng đó là vì "nhà chưa có phúc"! "Do đó, để đảm bảo an toàn cho sản phụ, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh bị tử vong thì nhất thiết phải có chính sách phụ cấp và đào tạo cho cô đỡ theo kiến thức đỡ đẻ khoa học bài bản, góp phần hoàn thiện mạng lưới y tế thôn, bản vốn mỏng như hiện nay", ông Nguyễn Tấn Đào - Trưởng phòng Y tế huyện Sơn Hà cho biết.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.