Quai bị và những biến chứng

07:06, 23/06/2012
.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), từ đầu năm đến nay, đã có gần 50 người mắc bệnh quai bị rải rác ở các bản vùng sâu thuộc xã Trung Tiến, Trung Thượng, Na Mèo... Đây là một bệnh không có gì mới, nhưng hiện nay người dân rất chủ quan với các triệu chứng của bệnh, thường chữa bằng các bài thuốc cổ truyền, lúc bị nặng mới đưa đến cơ sở y tế và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh và những biến chứng


Quai bị là bệnh nhiễm virut cấp tính, khi bị nhiễm virut, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu 1 - 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao (39 - 40 độ C) trong 3 - 4 ngày, chảy nước bọt và má sưng to (có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc), gây đau khi nuốt nước bọt. Sau đó, trẻ bị khô miệng vì các tuyến nước bọt đã ngừng hoạt động. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên, nếu không giữ gìn tốt, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, nguy hiểm nhất là viêm tinh hoàn, thường là một bên, xảy ra ở 20 - 30% ở nam giới trưởng thành.
 

   Virut gây bệnh quai bị.
Virut gây bệnh quai bị.


Đối với trẻ em, nếu có biến chứng viêm tinh hoàn mà không được phát hiện và điều trị tốt có thể gây ra vô sinh sau này. Còn ở phụ nữ thì biến chứng viêm buồng trứng gặp khoảng 5% ở nữ giới trưởng thành, vô sinh là hiếm gặp. Hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị ảnh hưởng, thường là viêm màng não vô khuẩn và hầu như không để lại di chứng. Viêm não hiếm khi gặp (khoảng 1 - 2/10.000) trường hợp. Có thể xảy ra những trường hợp viêm tụy (4%) thường là thể nhẹ.

Trong một số ca bệnh, hệ thần kinh bị ảnh hưởng và viêm tinh hoàn xảy ra mà không có triệu chứng viêm tuyến nước bọt. Điếc vĩnh viễn thường xảy ra một bên tai nhưng cũng là biến chứng hiếm gặp. Ngoài ra còn gặp những biến chứng khác như viêm khớp, viêm vú, viêm thận, viêm tuyến giáp và viêm màng ngoài tim. Trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén, nếu bị quai bị có thể làm tăng tỷ lệ sảy thai nhưng chưa có bằng chứng nào xác đáng cho rằng quai bị trong thời kỳ thai nghén gây nên dị tật bẩm sinh.

Sự lây truyền và tính chất lưu hành của bệnh

Người là ổ chứa virut, bệnh lây truyền qua tiếp xúc với những giọt nước li ti của bệnh nhân. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với người mắc bệnh, tỷ lệ lây nhiễm là rất cao. Thời kỳ ủ bệnh khoảng 12 - 25 ngày, thường là 18 ngày. Những người bị phơi nhiễm mà không tiêm vaccin có thể bị nhiễm bệnh từ ngày thứ 12 - 25 sau khi nhiễm virut. Tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra vào khoảng 48 giờ trước khi khởi phát bệnh. Xét nghiệm nước tiểu có thể có dương tính kéo dài tới 14 ngày kể từ khi khởi phát. Nhiễm thể ẩn cũng là nguy cơ truyền bệnh cho người khác.

Bệnh quai bị ít gặp hơn các bệnh truyền nhiễm thông thường khác ở trẻ em như sởi, thủy đậu, nhưng những nghiên cứu huyết thanh học chỉ ra rằng 85% người có thể bị nhiễm quai bị đến tuổi trưởng thành nếu như không được tiêm vaccin phòng bệnh. Khoảng 1/3 số người cảm nhiễm có tiếp xúc bị nhiễm bệnh thể ẩn, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh dưới 2 tuổi đều có biểu hiện cận lâm sàng.

Để xác định được virut gây bệnh, ngoài những biểu hiện lâm sàng, người ta sẽ tiến hành xét nghiệm huyết thanh học, đặc biệt là ở những người đã được tiêm vaccin quai bị. Virut còn được phân lập trên tế bào phôi gà hoặc trên nuôi cấy tế bào từ nước bọt.


Bệnh chủ yếu được điều trị tại nhà
 
Khi trẻ có các dấu hiệu quai bị, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán xác định. Nếu đúng là quai bị, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ ở nhà:

- Hạ nhiệt bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm (không được lau bằng nước lạnh). Có thể cho dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau.

- Cho uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng có bán tại các hiệu thuốc nhằm chống khô miệng.

- Cho trẻ ăn loãng hoặc ăn bằng ống hút (nếu trẻ nuốt khó).

- Cho trẻ nằm trên giường với một chai nước nóng bọc trong khăn để áp vào bên má đau.

- Không được cho trẻ nô đùa chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn.

- Cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi có các biểu hiện biến chứng.


Phòng bệnh thế nào?

Đây là bệnh do virut gây ra nên không có điều trị đặc hiệu, các trường hợp mắc bệnh phải được nghỉ ngơi tại chỗ, ăn thức ăn mềm, dễ nuốt. Khi bị mắc bệnh phải cách ly đường hô hấp, bệnh nhân phải được cách ly trong khoảng 9 ngày kể từ khi có triệu chứng sưng ở mang tai. Trẻ em bị bệnh không được đến trường, vì như vậy sẽ là nguồn lây bệnh cho các trẻ khác.

 Tiêm vaccin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. ảnh: Hoàng Hoa
Tiêm vaccin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. ảnh: Hoàng Hoa


Người lớn mắc bệnh cũng cần được cách ly như trẻ nhỏ tại phòng riêng. Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt.

Để phòng bệnh, ngoài các biện pháp cách ly với người bệnh thì phương pháp tiêm phòng là tốt nhất. Hiện có thể sử dụng vaccin đơn hoặc vaccin tam liên (sởi - quai bị - rubella). Hơn 95% những người được tiêm chủng miễn dịch rất lâu, có thể suốt đời. Vaccin có thể tiêm bất kỳ lúc nào từ 12 tháng tuổi trở lên. Các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng để có thể phòng bệnh tốt nhất cho con mình.     

Theo SK&ĐS

   


.